Bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ và đô thị, thời gian qua, huyện Bàu Bàng cũng khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, đồng thời chú trọng công tác thanh kiểm tra trong chăn nuôi.
Mô hình chăn nuôi gà trại lạnh mang hiệu quả kinh tế cao tại địa bàn huyện Bàu Bàng
Kết quả tích cực
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng, lĩnh vực chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Phương thức chăn nuôi có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại. Bước đầu huyện đã hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Sản phẩm từ chăn nuôi có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, toàn huyện Bàu Bàng có hơn 230.000 con gia súc, khoảng 3,2 triệu con gia cầm và 6 cơ sở giết mổ tập trung đã được phê duyệt, gồm: Long Nguyên, Cây Trường, Trừ Văn Thố, khu phố Đồng Chèo (thị trấn Lai Uyên), ấp Cầu Sắt và Cầu Đôi (xã Lai Hưng) bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn theo công nghệ chuồng lạnh được huyện quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 326 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, quy mô vừa (ứng dụng công nghệ cao có 163 trang trại). Trong đó, 212 trang trại chăn nuôi heo (ứng dụng công nghệ cao có 109 trại); 1 trang trại chăn nuôi gia súc lớn (tại trung tâm nghiên cứu gia súc lớn); 113 trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao.
Ngành chăn nuôi đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn. Để đạt được kết quả trên, nhiều giải pháp đã được đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, khâu đầu tiên phải kể đến là công tác cung ứng, quản lý giống vật nuôi có sự chuyển biến tích cực. Nhiều cơ sở chăn nuôi đã sử dụng các giống ưu thế để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đem lại hiệu quả cao. Song song với chuẩn bị giống, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được quan tâm, thực hiện thường xuyên, bảo đảm theo quy định.
Bảo đảm an toàn dịch bệnh
Xác định bảo đảm an toàn dịch bệnh chính là giải pháp hữu hiệu để phát triển chăn nuôi, huyện Bàu Bàng đã tập trung chỉ đạo phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước khi nhập con giống và sau mỗi chu kỳ xuất bán; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm giết mổ, tuyên truyền và thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Đối với các ổ dịch cũ cũng được theo dõi sát sao, đồng thời phát hiện sớm các ổ dịch mới nhằm kịp thời xử lý, không để lây lan sang diện rộng.
Ông Võ Hữu Thành, đại diện trang trại chăn nuôi gà lông trắng tại ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, cho biết trang trại hiện có hơn 140.000 con gà lông trắng được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con gà ngay từ khi bắt đầu nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh. Hàng tuần, trại cho phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại 1 lần, đồng thời định kỳ hàng tháng phun thuốc khử mùi 2 lần bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Không chỉ các hộ chăn nuôi gà, hiện nhiều chủ hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện cũng đang tích cực phát triển đàn bảo đảm chất lượng cung ứng cho thị trường.
Nhằm tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, cung cấp sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, huyện đã ban hành kế hoạch về việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; tổ chức nhiều đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng, cấp hóa chất cho các xã, thị trấn, để tiến hành phun khử trùng. Công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai hiệu quả. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, tập huấn cũng được các cấp các ngành huyện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình thực hành chăn nuôi tốt, các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, cơ chế chính sách của Nhà nước để người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi xuất đàn cần vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Khi nhập giống gia súc, gia cầm cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch đề phòng lây lan mầm bệnh, tránh thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến an toàn dịch bệnh trên địa bàn.
PHƯƠNG ANH - HỮU TẤN