Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Cập nhật: 01-04-2023 | 09:23:06

Để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, các địa phương trong tỉnh đang chú trọng phát triển các loại hình hợp tác xã (HTX). Các HTX cũng chủ động đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trong số các HTX hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp, HTX Minh Hòa Phát ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) là đơn vị hiếm hoi thành lập trang web để quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Tiền thân là tổ hợp tác, hoạt động có hiệu quả nên năm 2017 được nâng lên thành HTX, hiện nay có 15 thành viên. Với tổng diện tích đất canh tác khoảng 150 ha, HTX chủ yếu trồng các loại cây ăn trái, như: Bưởi da xanh, cam sành, quýt, sầu riêng... HTX đã ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thị trường chủ yếu là các tỉnh, thành phía Bắc, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bến Tre...


Nhiều mô hình HTX đổi mới, sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Trong ảnh: HTX Minh Hòa Phát hoạt động hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh

Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Minh Hòa Phát, chia sẻ cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao. HTX đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng qua các kênh như Facebook, Zalo. Ngoài kênh thương lái, một ngày tôi bán qua mạng xã hội cũng được mấy trăm ký. Tại thời điểm đỉnh cao mỗi năm HTX đạt lợi nhuận 12 tỷ đồng/năm. Đối với HTX, thị trường đầu ra luôn ổn định, chỉ dao động bởi giá cả. Số công nhân lao động thường xuyên là 50 - 60 người với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/người. Mặc dù sản xuất nông nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng HTX luôn nỗ lực khắc phục giữ vững hoạt động sản xuất, bảo đảm thu nhập cho các thành viên, người lao động.

Theo Liên minh HTX tỉnh, năm 2022, đơn vị đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên kết Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức trực tuyến triển khai ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm và kế toán cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Các HTX tham gia ứng dụng gồm có: HTX Bưởi Bạch Đằng, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, HTX Nông nghiệp TM-DV và Vận tải Dân Tiến, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long, HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Bông Trang, HTX Minh Hòa Phát và HTX Chăn nuôi Tâm Phát.

Bên cạnh một số HTX điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp luôn nỗ lực đổi mới thích nghi với xu thế hiện đại, các HTX ở các lĩnh vực hoạt động khác cũng có phương án sản xuất, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới phát triển bền vững. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch để khảo sát các HTX, Quỹ tín dụng, phát hiện những điển hình tiên tiến để tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng, đồng thời phát hiện những hạn chế để kịp thời sửa chữa khắc phục.

Chú trọng chất lượng

Thực tế cho thấy hiện nay nhiều HTX thành lập nhưng hoạt động không có hiệu quả, nặng về hình thức. Để HTX phát triển thực chất, nhiều địa phương đã có biện pháp cụ thể, một mặt tích cực đẩy mạnh phát triển các loại hình HTX chú trọng cả về chất lượng và số lượng trên cơ sở phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Mặt khác, kiên quyết giải thể những HTX không hoạt động, không có khả năng phục hồi. Trên địa bàn TP.Thuận An hiện có 14 HTX hoạt động có hiệu quả như HTX Dịch vụ nông nghiệp An Sơn (xã An Sơn), HTX An Phú (phường An Phú), HTX TMDV nông nghiệp Vĩnh Phú (phường Vĩnh Phú), HTX TMDV Bình Hòa (phường Bình Hòa)... ngoài ra, có 9 HTX không hoạt động, 1 HTX hoạt động cầm chừng.

Được quy hoạch là thành phố trung tâm của tỉnh, Thuận An phấn đấu trở thành đô thị loại II năm 2023, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, ổn định về công nghiệp. Chính vì vậy, trong phát triển KTTT thành phố chú trọng các loại hình phù hợp với tình hình địa phương, cụ thể, phát triển và nhân rộng các mô hình HTX điển hình trong những ngành, lĩnh vực môi trường, nông nghiệp đô thị, thương mại - dịch vụ, vận tải... Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết thành phố phát triển đồng thời giữa số lượng và chất lượng các thành phần KTTT, tạo nền tảng trong hoạt động và phát triển lâu dài. Đối với những HTX không hoạt động, Ban Chỉ đạo KTTT thành phố, xã, phường tổ chức gặp gỡ hướng dẫn hỗ trợ nhằm duy trì hoạt động, nếu không được sẽ làm thủ tục giải thể.

Tương tự, đối với huyện Dầu Tiếng, việc phát triển KTTT gắn liền với tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Theo ông Huỳnh Văn Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo KTTT huyện Dầu Tiếng, các HTX trên địa bàn huyện đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Là huyện có ưu thế về nông nghiệp, những năm qua huyện Dầu Tiếng phát triển mở rộng các ngành nghề người dân có nhu cầu, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vận tải. Đối với HTX được thành lập mới đã bước đầu xác định được định hướng sản xuất, kinh doanh khả thi. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bình Dương đang chú trọng phát triển KTTT, HTX cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 230 HTX.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=607
Quay lên trên