Nâng cao hiệu quả quản lý tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa

Cập nhật: 19-07-2023 | 08:38:45

Quản lý tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) trong quá trình sản xuất, lưu thông, cung ứng là nhiệm vụ quan trọng của ngành chức năng và doanh nghiệp nhằm ổn định thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thời gian qua, hoạt động quản lý tiêu chuẩn, chất lượng SPHH trên địa bàn tỉnh đã được Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tỉnh (Chi cục) tích cực triển khai, tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

 Quản lý tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

 Tăng cường kiểm tra

Theo lãnh đạo Chi cục, từ đầu năm 2023 đến nay hoạt động quản lý tiêu chuẩn, chất lượng SPHH trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai. Cụ thể, Chi cục đã chủ trì kiểm tra chất lượng 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh (13 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; 2 cơ sở sản xuất dầu nhờn động cơ đốt trong; 1 siêu thị điện máy). Kết quả, qua đánh giá nhãn hàng hóa, Chi cục phát hiện 6 cơ sở kinh doanh hàng hóa ghi nhãn chưa phù hợp theo quy định, yêu cầu 6 cơ sở thực hiện khắc phục nhãn hàng hóa và báo cáo về Chi cục. Về chất lượng, Chi cục đã phát hiện 1 mẫu dầu nhờn động cơ đốt trong có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và tiến hành xử phạt cơ sở vi phạm với số tiền 7,5 triệu đồng, buộc thu hồi và tái chế lô hàng hóa vi phạm.

Bên cạnh đó, Chi cục đã tiếp nhận và giải quyết 525 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với các sản phẩm, hàng hóa như đồ chơi trẻ em, thiết bị điện và điện tử, thép các loại, sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED. Kết quả các lô hàng phù hợp theo quy định.

Cùng với hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan hữu quan tại địa phương, Chi cục đã triển khai hoạt động khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đây là một trong số những hoạt động thường xuyên của Chi cục nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành khoa học và công nghệ đối với sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục đã tiến hành khảo sát 42 mẫu xăng Ron 95-III. Kết quả, về đo lường đạt yêu cầu, về chất lượng gửi thử nghiệm chất lượng 6 mẫu xăng, kết quả 4 mẫu có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, 2 mẫu đang chờ kết quả thử nghiệm. Ngoài ra, Chi cục tiến hành khảo sát 24 mẫu chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm thiết bị điện, điện tử, đồ chơi trẻ em, thép cốt bê tông, dầu nhờn động cơ đốt trong, nước uống đóng chai, khăn giấy và giấy vệ sinh, đồ uống có cồn trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 1 mẫu giấy vệ sinh có chất lượng phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tiến hành thông tin đến cơ quan có thẩm quyền quản lý tại địa phương để thực hiện các biện pháp quản lý tiếp theo.

Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Có thể thấy, khi các SPHH lưu thông trên thị trường được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn những sai sót do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền lợi, uy tín của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Ông Nguyễn Văn Chung, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn TX.Bến Cát, cho biết việc bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng vàng sẽ làm cho các chủ cửa hàng kinh doanh chân chính phấn khởi. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng sẽ góp phần quan trọng trong ổn định thị trường; đồng thời người tiêu dùng được bảo đảm quyền lợi, giá trị kinh tế, tài sản.

Chị Nguyễn Thị Hồng, người dân khu phố 4, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Tiêu dùng SPHH có chất lượng tốt là nhu cầu chính đáng và cần được bảo vệ bởi chính quyền và các đơn vị chuyên môn. Tôi tin rằng khi người sản xuất có ý thức trách nhiệm làm ra những sản phẩm đạt chuẩn, người buôn bán, phân phối theo đúng quy chuẩn pháp luật, khâu kiểm soát của các ngành chức năng, chuyên môn chặt chẽ thì quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo đảm”.

Anh Lê Xuân Hưng, chủ tiệm Bách hóa tổng hợp trên đường Nguyễn Thái Bình, khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Là người bán hàng, khi tôi nhập các sản phẩm từ những đơn vị sản xuất, hoặc nhà phân phối lớn để đưa đến tay người tiêu dùng, tôi luôn kiểm tra các loại giấy tờ được cơ quan Nhà nước chứng nhận về nguồn gốc sản xuất, chất lượng, an toàn sản phẩm theo quy định. Tuy nhiên hiện nay, với những hành vi gian lận tinh vi không loại trừ hàng hóa đầy đủ giấy tờ vẫn là hàng không đạt chất lượng. Do đó, để có được đầy đủ thông tin nguồn gốc của sản phẩm, chắc chắn bảo đảm hàng hóa mình bán ra không phải là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tôi sử dụng các ứng dụng quét mã QR Code. Qua đó, vừa bảo đảm uy tín của cửa hàng, vừa bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng”.

 Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tỉnh: Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường, Chi cục tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo kế hoạch năm. Song song đó, đơn vị tăng cường khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng, Chi cục sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra hoặc chuyển thông tin về các hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tới các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để xem xét, tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=597
Quay lên trên