Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho doanh nghiệp

Cập nhật: 10-06-2011 | 00:00:00

Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam” (Dự án PECSME) sau 5 năm có mặt tại Bình Dương đã trở thành trợ thủ đắc lực cho các DNNVV. Đây là chương trình do Bộ KH-CN, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DNNVV.

Môt dự án khả thi

Ở nước ta, Dự án PECSME đã đi vào hoạt động từ năm 2006. Đây được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ bài toán thiếu vốn của các DNNVV hiện nay trong việc tiết kiệm chi phí nhiên liệu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ban đầu, chương trình được triển khai thí điểm ở 10 tỉnh, trong đó có Bình Dương. Theo báo cáo thống kê của dự án, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động (1-2006), dự án đã góp phần giảm hơn 740.000 tấn khí nhà kính (CO2) và tiết kiệm được hơn 180.000 tấn dầu quy đổi.

   PECSME góp phần giúp các doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Trong ảnh: Xây dựng lò gạch liên tục kiểu đứng Thành Đạt - Bến Cát tiết kiệm đến 30% năng lượng tiêu thụ

Theo điều kiện của dự án, các DNNVV có số vốn đăng ký kinh doanh không quá 30 tỷ đồng và số lao động hàng năm không quá 500 người nếu bảo đảm tiêu chuẩn điều kiện quy định về khả năng thanh toán nợ, nợ đọng... tập trung 5 ngành (gạch, gốm sứ, dệt may, giấy và chế biến thực phẩm) đều có thể được ngân hàng nghiên cứu, thẩm định, cấp vốn triển khai thực hiện. Việc lựa chọn 5 loại hình sản xuất công nghiệp sử dụng tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu và có mức độ phát thải cao trong nhóm các DNNVV để triển khai dự án là động lực để các DN trong lĩnh vực này tìm hướng đầu tư công nghệ sản xuất, phát triển bền vững, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, hướng đến giảm giá thành sản phẩm.

Các DNNVV sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện kiểm toán năng lượng và chuyển giao công nghệ từ 10 - 30 triệu đồng; được bảo lãnh tối đa 75% vốn vay đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng (mức bảo lãnh từ 80 triệu đến 2 tỷ đồng tại Ngân hàng Công thương). Cho đến nay, PECSME đã cấp bảo lãnh vốn vay cho 50 dự án trị giá 32 tỷ đồng, để cho DN vay 41 tỷ đồng, thực hiện trên 521 dự án trên 10 tỉnh, thành.

Thúc đẩy sản xuất sạch

Sản xuất sạch là một trong những mục tiêu bền vững quan trọng mà ngành công nghiệp Bình Dương hướng tới phát triển. Chính vì thế, sự có mặt và thúc đẩy phát triển sản xuất sạch của PECSME là một trong những điều kiện quý giá hỗ trợ cho các DNNVV trong việc phát triển DN.

Trong 5 năm qua, cùng với sự có mặt của PECSME, hàng loạt các chính sách, quy chế đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành. Đáng kể nhất là hàng loạt các chỉ thị yêu cầu các đơn vị tiết kiệm điện triệt để trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng ra đời sau khi Dự án PECSME có mặt cũng đã góp phần tích cực trong việc làm thay đổi nhận thức của DNNVV trong việc tiến tới sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Trong 5 năm qua, trung tâm đã tổ chức hàng chục hội thảo và hàng trăm hội nghị xung quanh các vấn đề nâng cao nhận thức sản xuất của DN.

Đánh giá về hiệu quả của Bình Dương trong việc triển khai dự án, ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc điều hành PECSME cho biết: “Bình Dương cùng với TP.HCM là các địa phương làm tốt các công tác triển khai các hoạt động của PECSME. Con số hàng chục cuộc hội thảo, các lớp tập huấn cho DN đã nói lên được điều đó. Trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng đến việc triển khai Dự án PECSME tại Bình Dương, xem đây là một thí điểm quan trọng để các địa phương khác học tập”.

Ngoài các khóa học, hội thảo để nâng cao nhận thức sản xuất sạch của DNNVV, PECSME đã bảo lãnh vốn vay lên đến hàng chục tỷ đồng cho các DN để thực hiện việc cải tạo máy móc, công nghệ sản xuất... Cụ thể, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cho 1 DN sản xuất gạch vay 2 tỷ đồng, 1 DN sản xuất ngành may thêu vay 1,5 tỷ đồng. Chương trình bảo lãnh vốn vay PECSME bảo lãnh cho 2 DN sản xuất gạch vay 2,4 tỷ, bổ sung vay vốn mở rộng dự án cho 1 DN sản xuất gạch 1 tỷ đồng và bảo lãnh vốn vay của Quỹ Bảo vệ môi trường cho  Công ty Sản xuất gốm sứ Phước Nguyên Thành II 1 tỷ đồng.

Rõ ràng, về mặt lợi ích, PECSME đã hỗ trợ cho DNNVV tại Bình Dương rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong DN. Ông Vũ Tiến Sỹ, Trưởng phòng tiết kiệm năng lượng thuộc Sở KHCN Bình Dương cho biết: “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã phối hợp với PECSME tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng trong DN. Không những thế, tôi nghĩ vốn vay từ các nguồn quỹ hỗ  trợ cũng đã giúp cho các DNNVV phát triển bền vững, thu lại nhiều lợi nhuận hơn”.

KHÁNH VINH

Bình Dương đã hỗ trợ hàng tỷ đồng, tạo điều kiện cho PECSME hoạt động. Cụ thể như, hỗ trợ kinh phí cho 3 DN tham gia xây dựng lò gạch liên tục kiểu đứng (30 triệu đồng/DN), lò gốm sứ LPG cải tiến 30% tổng kinh phí thiết bị (70 triệu đồng/DN), biogas chạy máy phát điện 30% tổng kinh phí thiết bị và lắp đặt (60 triệu đồng); phối hợp với Công ty Cổ phần Sài Gòn Solar triển khai Chương trình hỗ trợ người tiêu dùng lắp đặt 100 máy nước nóng năng lượng mặt trời; UBND tỉnh đầu tư trang thiết bị kiểm toán năng lượng cho trung tâm ứng dụng với kinh phí gần 600 triệu đồng. Bình Dương cũng đã cho phép Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thực hiện dự án “Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hiện trạng sử dụng năng lượng ngành chế biến gỗ, thí điểm kiểm toán năng lượng tại một số cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương” với kinh phí thực hiện hơn 370 triệu đồng.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên