Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Cập nhật: 28-09-2021 | 08:05:14

Mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tuy nhiên Bình Dương vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ duy trì thi công các công trình, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Trong những tháng cuối năm 2021, nhằm góp phần phục hồi kinh tế, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

 Trong những tháng cuối năm 2021, nhằm phục hồi kinh tế, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong ảnh: Công trình đường Thủ Biên - Đất Cuốc duy trì thi công theo phương án 3 tại chỗ

Khắc phục khó khăn

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động đầu tư công từ đầu năm đến nay bổ sung trực tiếp một lượng vốn đáng kể (hơn 3.300 tỷ đồng) vào nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư. Nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu thực hiện và giải ngân tốt phần kế hoạch đầu tư công năm 2021 sẽ phát huy hiệu quả thực tế, đóng góp vào duy trì tăng trưởng, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhưng Bình Dương vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Tính đến 15-9, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công 2.889 tỷ đồng, đạt 23,4% kế hoạch của tỉnh và đạt 28,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhằm bảo đảm tiến độ thi công theo kế hoạch, một số công trình trọng điểm mang tính cấp thiết theo dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021 đã được các đơn vị thi công thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Đơn cử như dự án xây dựng đường Thủ Biên - Đất Cuốc, thực hiện phương án 3 tại chỗ, đến nay khối lượng thực hiện đạt hơn 90%. Dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, với mục tiêu không để “đứt gãy” hoạt động, ngay từ khi dịch bùng phát, đơn vị thi công đã triển khai phương án “3 tại chỗ”, thực hiện nghiêm quy định “5K”. Trên công trường dự án hiện có hơn 10 kỹ sư xây dựng và hơn 50 công nhân đang ngày đêm miệt mài lao động, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2021 theo kế hoạch đề ra. Tính đến nay, công trình có khối lượng thi công xây dựng đạt 70% theo khối lượng hợp đồng.

Ông Lê Văn Dần, Giám đốc Công ty Đại Thiên Trường, đơn vị thi công công trình xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, đơn vị đã triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” và các quy định phòng, chống dịch hiện hành. Để bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, đơn vị đã thực hiện test Covid cho tất cả các kỹ sư và công nhân xây dựng trên công trường 2 lần/1 tuần, không cho người ngoài vào trong khu vực công trường; giữ công trường xanh, trở thành “pháo đài” bền vững để thi công các hạng mục. Chính nhờ thực hiện công tác phòng, chống dịch nghiêm ngặt, đơn vị đã cơ bản bảo đảm được tiến độ theo kế hoạch đề ra trong năm 2021, đồng thời duy trì việc làm cho công nhân xây dựng”.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Một trong những nhóm giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh đề ra nhằm phục hồi kinh tế những tháng cuối năm là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn để khởi công mới các công trình đủ điều kiện tại các “vùng xanh” trên địa bàn. UBND tỉnh cũng đã ra văn bản về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện chỉ đạo về triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Các đơn vị cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò tiên quyết, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ và hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện; chủ động đề xuất bố trí một phần vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 để chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên dự án khởi công mới năm 2022; tập trung kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Trường hợp vượt thẩm quyền, các đơn vị đề xuất báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp theo quy định.

 Các hoạt động đầu tư công từ đầu năm đến nay bổ sung trực tiếp một lượng vốn đáng kể (hơn 3.300 tỷ đồng) vào nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư. Nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu thực hiện và giải ngân tốt phần kế hoạch đầu tư công năm 2021 sẽ phát huy hiệu quả thực tế, đóng góp vào duy trì tăng trưởng, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=818
Quay lên trên