Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa chính thức đưa Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ nuôi thú cưng, thú cảnh trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham quan Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật vừa đi vào hoạt động ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An
Đáp ứng nhu cầu
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc trên toàn tỉnh đạt hơn 900.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 14 triệu con, chó, mèo gần 70.000 con, chăn nuôi nông nghiệp đô thị với số lượng hơn 30.000 con các loại. Vì vậy, nhu cầu chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị cho động vật trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Để đáp ứng được nhu cầu đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật tại phường Lái Thiêu, TP.Thuận An. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật hàng đầu Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2023. Trạm có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị chẩn đoán, như: Máy siêu âm, X.quang, máy xét nghiệm sinh lý - sinh hóa, thiết bị xét nghiệm huyết thanh học (Elisa), thiết bị xét nghiệm sinh học phân tử PCR, Realtime PCR, thiết bị xét nghiệm tồn dư kháng sinh, chất cấm HPCL.
Thời gian tới, chi cục sẽ triển khai các lĩnh vực, gồm: Xét nghiệm chẩn đoán bệnh trên động vật; phát hiện kháng nguyên, kháng thể phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật, an toàn dịch bệnh; lĩnh vực vi sinh thực phẩm, lĩnh vực lý - hóa; lĩnh vực điều trị bệnh cho động vật nội trú, ngoại trú.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết nền nông nghiệp Bình Dương đến nay phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, từng bước giảm tỷ trọng trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Bình Dương được đánh giá là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển vững mạnh với tổng đàn lớn, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, được quy hoạch định hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của Bình Dương từ tỉnh đến địa phương được duy trì, củng cố, nâng cao năng lực, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Nhằm hỗ trợ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh hoạt động hiệu quả hơn, thời gian qua, Ban Giám đốc Sở NN&PTNT đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho đơn vị. Riêng với Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật, sở đã điều chuyển khu đất từ Trung tâm Khuyến nông sang Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, thực hiện chủ trương xây dựng trạm hiện tại. Trạm chính thức đi vào hoạt động đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành NN&PTNT trong lĩnh vực chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật của tỉnh.
“Có thể nói đây là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực không nhỏ cho đơn vị, đòi hỏi phải đạt được những kỳ vọng của cấp trên. Do đó, tôi đề nghị ban lãnh đạo chi cục và trạm nỗ lực phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh cơ sở vật chất được trang bị, không ngừng nâng cao chất lượng chẩn đoán xét nghiệm điều trị, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, kiến thức chuyên môn, mở rộng các chỉ tiêu, năng lực xét nghiệm. Bên cạnh đó, chi cục và trạm cũng phải chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của viên chức, người lao động để người lao động yên tâm công tác. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trạm xứng đáng là nơi chẩn đoán xét nghiệm điều trị bệnh động vật hàng đầu của tỉnh và khu vực”, ông Phạm Văn Bông cho biết thêm.
THOẠI PHƯƠNG