Hiện nay, việc làm giả các loại bằng cấp, giấy tờ nhà đất và nhiều loại giấy tờ khác được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Bên cạnh việc sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả trong giao dịch hành chính, học tập, công việc, nhiều thủ đoạn mới liên quan đến vấn đề này đang phát sinh và biến tướng theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và để lại hậu quả rất lớn…
Đặt làm giấy tờ giả không khó
Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng rao bán, nhận làm giả giấy tờ tùy thân, giấy tờ hộ tịch tư pháp, hồ sơ đất đai, trong đó phổ biến nhất là căn cước công dân và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không khó để lên mạng xã hội đặt làm một bộ giấy tờ giả, gồm: Chứng minh nhân dân, căn cước, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh… chỉ với vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng.
Nâng cao kỹ năng nhận diện giấy tờ giả nhằm hạn chế tối đa sai sót trong khâu tiếp nhận hồ sơ, chứng thực, sao y bản chính và các thủ tục hành chính khác. Trong ảnh: Người dân công chứng giấy tờ tại Văn phòng Công chứng TP.Dĩ An
Các đối tượng yêu cầu “khách hàng” cung cấp thông tin cơ bản, hình ảnh qua mạng xã hội, chuyển khoản tiền cọc và sẽ “nhận hàng” chỉ sau vài ngày. Như vậy, chỉ cần từ vài trăm đến vài triệu đồng, là có thể dễ dàng sở hữu một bộ hồ sơ nhà đất giống như thật để thực hiện các mục đích khác nhau.
Hiện nay không khó để bắt gặp những lời chào mời, quảng cáo việc nhận làm giả giấy tờ trên các trang mạng xã hội, từ đó đã đẩy các công chứng viên vào tình thế luôn phải đối mặt với rủi ro cho dù có thâm niên, nhiều kinh nghiệm và được trang bị những kỹ năng nhận biết nhất định nhưng cũng không đủ trình độ, phương tiện giám định như một giám định viên. Do đó, giấy tờ giả vẫn có thể qua mặt được các công chứng viên.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, bên cạnh việc làm giả giấy tờ, tài liệu thì việc giả mạo người hay còn gọi là sử dụng người “đóng thế” cũng diễn ra thường xuyên. Việc giả mạo người thường gặp là giả mạo một bên vợ hoặc chồng trong giao dịch khi một hoặc hai bên muốn bán tài sản mà bên kia không đồng ý nên người còn lại nhờ hoặc thuê người khác “đóng thế”. Trường hợp giả mạo anh chị em trong nhà để ký hợp đồng trong trường hợp đất cấp cho hộ gia đình hoặc phân chia di sản thừa kế hoặc trường hợp mạo danh anh chị em sinh đôi để ký giấy tờ trục lợi cho bản thân.
Cần nâng cao kỹ năng nhận diện
Có thể thấy, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm đều giống như thật, trong khi các trang thiết bị hỗ trợ nhận diện giấy tờ giả của công chứng viên hiện nay vẫn còn khá thô sơ nên rất khó để phát hiện.
Thời gian qua, tại Bình Dương, Công an tỉnh đã phát hiện và bắt giữ nhiều đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Qua các vụ án mà cơ quan chức năng khám phá có thể thấy việc làm giả tài liệu rất đa dạng. Đối tượng có thể làm giả từ văn bằng, chứng chỉ, đến giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe và hồ sơ khám bệnh các loại…
Để trang bị kỹ năng nhận biết giấy tờ giả, ngày 2-8 vừa qua, tại trường Chính trị tỉnh, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện giấy tờ giả và ứng dụng mô hình 06 của Kế hoạch phối hợp số 125/KHPH-BCA-UBND trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tham dự hội nghị có 370 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện; các tổ chức hành nghề công chứng, công chức làm công tác một cửa thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện và cấp xã. Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm và nhận thức của đội ngũ công chứng viên, người làm công tác chứng thực, công chức tư pháp - hộ tịch, nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, chứng thực theo quy định; đồng thời phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện đối tượng cung cấp thông tin giả để giúp đội ngũ người làm công tác chứng thực nắm bắt đầy đủ.
Qua các chuyên đề, báo cáo viên đã giúp học viên nắm rõ nguyên tắc chung về các vấn đề cần tập trung quan sát, cập nhật thêm một số thủ đoạn giả mạo giấy tờ giả. Học viên cũng được báo cáo viên hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết giấy tờ, con dấu giả bằng công cụ chuyên môn và bằng mắt thường, qua đó hạn chế tối đa sai sót trong khâu tiếp nhận hồ sơ, chứng thực, sao y bản chính và các thủ tục hành chính khác.
“Thực tế cho thấy hậu quả từ việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người trong hoạt động công chứng là rất nặng nề. Do đó, rất cần các ngành chức năng tích cực, quyết liệt trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm; có biện pháp xử lý nghiêm minh hành vi xuất trình giấy tờ giả, đưa người giả khi tham gia hoạt động công chứng, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức để tăng tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm”, bà Phạm Thị Mỹ Lệ cho biết thêm.
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Người phạm tội có thể bị xử phạt đến 7 năm tù khi thực hiện các hành vi sau: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. |
TÂM TRANG