Trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm được nhiều lợi thế.
Sản xuất tại Công Ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP.Thuận An)
Động lực
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, nhiều DN ở Bình Dương đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều DN đã vươn lên khẳng định thương hiệu, ký kết được các hợp đồng lớn với đối tác trong, ngoài nước, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Đại Thiên Lộc cho biết, thời gian qua công ty đã tiến hành chuyển đổi số bắt đầu từ tự động hóa các dây chuyền sản xuất, từng bước thay đổi quy trình, công nghệ, quản trị và đạt được những thành công đáng kể. Hiện nay, DN muốn hàng hóa bán được thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, chuyển đổi số sẽ giúp đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Vì thế, Đại Thiên Lộc vẫn trên lộ trình chuyển đổi số với những công nghệ cao đến từ châu Âu.
Theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long I, một đơn vị tiên phong chuyển đổi số chia sẻ đối với DN, việc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất là điều tất yếu, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay. Kết quả của chuyển đổi số giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa. Ông Minh cũng cho rằng thực hiện thành công chuyển đổi số, DN sẽ tăng khả năng cạnh tranh, thu được nhiều lợi ích, nhất là khi hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng gắn chặt và phụ thuộc vào nền kinh tế số. Tuy nhiên, đó là cả một hành trình chứ không phải ngày một ngày hai, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Đó phải là con đường xuyên suốt của các DN sản xuất.
Chuyển đổi số cũng giúp nhiều DN Việt giảm bớt áp lực thiếu lao động khi mở thêm các nhà máy, dây chuyền sản xuất. Đồng thời, sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại phần lớn đa dạng về mẫu mã và chất lượng bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai chia sẻ: “Thương hiệu Sáng Ban Mai phát triển tốt, được các đối tác trong và ngoài nước tin dùng là do DN đã kịp thời ứng dụng công nghệ hiện đại và có lộ trình chuyển đổi số khá sớm, coi đây là đầu tư cần thiết trong chiến lược phát triển công ty”.
Việt Nam tham gia hội nhập sâu để tạo thêm cơ hội cho DN mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN có sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa cùng loại nhập khẩu. Cuộc cạnh tranh giành thị phần ở sân chơi trong nước, quốc tế sẽ nghiêng về những DN có sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, tiện lợi và giá cạnh tranh. Đứng trước cơ hội này, các DN rất nỗ lực để thích ứng. Ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty cơ khí Phương Vy cho biết, các DN vừa và nhỏ tham gia vào chuyển đổi số rất khó khăn do thiếu vốn, nhân lực. Tuy nhiên, để sản phẩm làm ra có thể cung ứng cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các DN Việt buộc phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, đây là bước đầu của quá trình chuyển đổi số. Quá trình này được DN lựa chọn các máy móc, thiết bị đồng bộ để sau này kết nối ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ thuận lợi. Những DN Việt không ứng dụng công nghệ hiện đại dễ bị thụt lùi, khó tìm được đầu ra cho sản phẩm ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Tích cực hỗ trợ DN
Theo đánh giá của ngành công thương, từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các DN trên thế giới, giao thương giữa các nước bị hạn chế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt đoạn. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN đã nỗ lực đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số. Tuy vậy, muốn tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến đến nền sản xuất thông minh, DN phải chuyển đổi số. Quá trình thực hiện, DN cần khoảng thời gian dài và có lộ trình để triển khai từng bước.
Để tích cực hỗ trợ DN chuyển đổi số, ngành công thương từ nay đến năm 2025 tổ chức thực hiện các nội dung của hoạt động khuyến công theo các chương trình. Mục tiêu cụ thể hỗ trợ từ 55 - 80 cơ sở công nghệ thông tin ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Theo đó, ngành công thương sẽ hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến do cơ sở công nghiệp tự nghiên cứu, sản xuất, gia công chế tạo và ứng dụng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, được cấp có thẩm quyền công nhận. Đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường bền vững.
TIỂU MY