Nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn

Cập nhật: 02-07-2011 | 00:00:00

Tại Bình Dương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Công đoàn (CĐ) Hóa chất, Năng lượng, Mỏ quốc tế  khu vực châu Á (gọi tắt là ICEM) vừa tập huấn Đối thoại xã hội (ĐTXH) và hoạt động CĐ ở các công ty đa quốc gia cho đại diện CĐ thuộc các công ty hóa chất, mỏ, năng lượng của 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi nhanh với ông Fons Vannieuwenhuyse, cán bộ phụ trách dự án của ICEM.

- Ông có thể giới thiệu tổng quan về Dự án ĐTXH và hoạt động CĐ ở các công ty đa quốc gia của ICEM đang triển khai tại Việt Nam?

 

ICEM tập huấn ĐTXH cho đại diện CĐ thuộc các công ty hóa chất, mỏ, năng lượng của 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh

Dự án ĐTXH và hoạt động CĐ ở các công ty đa quốc gia của ICEM được triển khai ở khu vực châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam. Nhóm đối tượng mà chúng tôi nhắm đến là cán bộ CĐ tại các công ty đa quốc gia. Mục tiêu chính là tăng cường vị thế trong ĐTXH của các CĐ thành viên ICEM và hoạt động CĐ tại các công ty đa quốc gia; thúc đẩy việc thực hiện thương lượng tập thể giữa CĐ, giới sử dụng lao động và chính quyền; củng cố sức mạnh của các CĐ thành viên của ICEM ở cấp cơ sở, ngành và quốc gia; thiết lập quan hệ hài hòa tại nơi làm việc. Chiến lược hành động là xây dựng mạng lưới CĐ các công ty đa quốc gia giữa các tổ chức CĐ thành viên ICEM; ký kết được nhiều thỏa ước tập thể tốt hơn; tập trung vào đối tượng lao động hợp đồng và thầu phụ; nâng cao kiến thức về các tiêu chuẩn quốc tế và giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế; thúc đẩy ĐTXH với giới sử dụng lao động ở tất cả các cấp... 

- Dự án ĐTXH ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam được thực hiện ra sao, thưa ông?

ĐTXH là các cuộc nói chuyện tập thể, có tổ chức và mang tính chính thức giữa người lao động (NLĐ), chủ sử dụng lao động và chính quyền nhằm chia sẻ thông tin, thương lượng tập thể và ra chính sách. Kết quả mang lại là thỏa ước tập thể; sự tham gia của NLĐ vào quản lý, vào quá trình ra chính sách của Nhà nước thông qua việc đóng góp ý kiến và chia sẻ thông tin. Từ đó, mối quan hệ lao động ngày càng hài hòa, hợp tác để xây dựng tổ chức CĐ mạnh.

Ngoài việc xây dựng năng lực, Dự án ĐTXH khu vực châu Á của ICEM còn phối hợp với cán bộ CĐ và chủ sử dụng lao động tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về các công ty đa quốc gia và chính sách của họ cũng như về các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Giống như các khu vực khác trên thế giới, hầu hết các công ty đa quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam đều cam kết tôn trọng nhiều tiêu chuẩn lao động quốc tế. Trong khi đó, hầu hết NLĐ chưa biết sự tồn tại của các tiêu chuẩn này (tiêu chuẩn của ILO, hướng dẫn của OECD, Hiệp ước toàn cầu của Liên hiệp quốc). Ở khu vực này, điều dễ nhận thấy là sự  tồn tại duy nhất của hình thái CĐ cơ sở và thiếu cơ chế CĐ ngành cấp quốc gia; trong đó tổ chức và bảo vệ lao động hợp đồng và thông qua công ty nhân lực có liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Chính vì vậy, mỗi năm, chúng tôi sẽ tổ chức khoảng 50 hội thảo và tập huấn cấp quốc gia.

- Ngoài dự án ĐTXH, ưu tiên trong các dự án của ICEM là gì?

Chúng tôi ưu tiên xây dựng năng lực của CĐ với giải pháp là tăng cường, hiện đại hóa các tổ chức CĐ. Cụ thể là hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức của CĐ; nâng cao kiến thức thông qua đào tạo đội ngũ lãnh đạo CĐ, cán bộ CĐ cơ sở và đoàn viên CĐ trong nhiều lĩnh vực, từ các vấn đề cơ bản của CĐ đến các nguyên tắc CĐ, các vấn đề toàn cầu hóa và giải pháp đối phó với các công ty đa quốc gia; hỗ trợ thành lập các CĐ ngành nghề ở cấp quốc gia, hoặc khu vực. Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, CĐ đang cạnh tranh với nhau dẫn đến việc các tổ chức này không đủ mạnh để thương lượng tập thể có hiệu quả với chủ sử dụng lao động.

Ngoài ra, dự án cũng ưu tiên bảo vệ các quyền CĐ cơ bản. Chúng tôi sẽ đào tạo và thực hiện các hoạt động trong vấn đề công ty đa quốc gia, bao gồm các thỏa thuận khung toàn cầu và quan trọng hơn cả là xây dựng các mạng lưới toàn cầu của CĐ các công ty. Các vấn đề ĐTXH, thúc đẩy ĐTXH và thương lượng tập thể là những ưu tiên chính trong hầu hết các dự án của ICEM. Bên cạnh phát triển đoàn viên, Dự án của ICEM cũng hỗ trợ những nỗ lực thành lập CĐ dưới nhiều hình thức.  

- Xin cảm ơn ông!

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên