Nâng cao năng lực, sẵn sàng ứng phó thiên tai

Cập nhật: 10-11-2021 | 08:36:10

Đoàn công tác của Tỉnh ủy do ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành vừa có buổi kiểm tra, khảo sát công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác đã khảo sát thực trạng các khu vực có thể bị sạt lở, ngập úng dọc tuyến sông Sài Gòn để có phương án, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.

 Đoàn công tác kiểm tra thực tế các công trình phòng chống lụt bão tại phường Bình Nhâm, TP.Thuận An

 Đầu tư nhiều công trình

Hiện có 9 dự án trên sông Sài Gòn phục vụ công tác phòng, chống sạt lở, trong đó có 2 dự án đang triển khai thực hiện và 7 dự án đang ở giai đoạn đề xuất. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng cao khả năng chống ngập do xả lũ và triều cường, tăng khả năng thích ứng của đô thị Bình Dương với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực ven sông Sài Gòn.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp luôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các công trình đang thi công, xây dựng phương án bảo đảm an toàn. Theo đó, nhiều công trình PCTT thường xuyên được kiểm định, kiểm tra; công trình thủy lợi được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, nạo vét và mở rộng, phục vụ tiêu thoát nước trước mùa mưa, bão.

Công trình hệ thống cống ngăn triều Bình Nhâm (phường Bình Nhâm, TP.Thuận An) cùng với hệ thống cống, đê bao An Sơn - Lái Thiêu có nhiệm vụ ngăn lũ, triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng để chống ngập cho toàn bộ vùng hưởng lợi là 2.690 ha (có khoảng 800 ha trồng cây ăn trái đặc sản). Trong đó, lưu vực phụ trách của cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm với 540,9 ha đất tự nhiên (bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, vườn cây ăn trái đặc sản 286 ha và cụm dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật của phường Bình Nhâm, TP.Thuận An).

Sau 13 tháng thi công, công trình đã hoàn thành các hạng mục chính, gồm: Bê tông cốt thép bản đáy, trụ pin, tháp van cống, cọc neo gia cố kè; cọc cừ bê tông gia cố bờ rạch, bờ sông; hoàn thiện 3/4 nhịp cầu giao thông và bê tông bản mặt cầu; cọc gia cố nền, phần thô nhà quản lý vận hành; ống qua đường số 2. Giá trị khối lượng thi công đến nay khoảng trên 163 tỷ đồng, đạt 76% giá trị hợp đồng và vượt 40% theo tiến độ đề ra. Dự kiến cuối 2021 sẽ tổ chức lắp đặt cửa van và hệ thống xi lanh thủy lực. Đầu quý I-2022 sẽ tổ chức vận hành thử và chuyển giao cho đơn vị quản lý khai thác.

Kiểm tra các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn TP.Thuận An, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công trong việc đẩy nhanh tiến độ các công trình. Đồng thời, ông Mai Hùng Dũng yêu cầu các đơn vị cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công, các dự án phải bảo đảm chất lượng cũng như an toàn cho công nhân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó

Bình Dương nằm giữa 2 con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai, chịu ảnh hưởng lớn từ chế độ bán nhật triều của biển Đông. Những năm gần đây, Bình Dương không bị ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão, áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra một số loại thiên tai như giông, lốc xoáy (gần đây có mưa đá); ngập do mưa lớn, ảnh hưởng triều cường, xả lũ hồ chứa quốc gia ở một số khu vực trũng ven sông; sét đánh...

Theo đánh giá của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh, thiên tai chủ yếu do mưa lớn, lốc xoáy và triều cường. Trong đó, lốc xoáy gây hư hỏng về nhà cửa, công trình, gãy đổ cây trồng thường xảy ra nhiều vào thời kỳ chuyển mùa; mưa lớn, triều cường gây ngập úng nhà cửa, lúa, hoa màu, đường giao thông xảy ra nhiều vào mùa mưa, các tháng cuối năm.

Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết công tác PCTT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và được thực hiện thường xuyên. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm và nhận được sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT hàng năm phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó cấp huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn đã có các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai; hàng năm có rà soát điều chỉnh bổ sung phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Để kịp thời ứng phó, khắc phục khẩn trương khi có thiên tai xảy ra, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án PCTT-TKCN phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, mặt khác theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo; tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT. Cần xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro trong thiên tai, PCTT theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại.

 Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Hiện tại, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan và khó lường, đề nghị các ngành, các cấp và địa phương tiếp tục tăng cường công tác PCTT theo định hướng chung của Ban Chỉ đạo Trung ương, không được chủ quan, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ngành nông nghiệp trong phạm vi quản lý của đơn vị, phải thường xuyên coi trọng việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cần được bảo vệ hoặc các công trình có liên quan đến PCTT-TKCN, ứng phó kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy ra.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=806
Quay lên trên