Với đặc tính bền vững, khó phân hủy, nhựa và túi nylon đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để “Đánh bại ô nhiễm từ rác” rất cần những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục hiệu quả vấn đề này. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Tùng Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh về mục tiêu Bình Dương hướng tới môi trường không rác thải nhựa.
Tái sử dụng là một trong những giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Trong ảnh: Sản phẩm được làm từ rác thải nhựa của xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng tham gia trưng bày tại ngày hội môi trường vừa tổ chức
- Xin ông cho biết thực trạng rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh?
- Hàng năm trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% trong số đó được tái chế. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường nhưng chỉ có khoảng 27% trong số đó được tái chế. Theo số liệu thống kê, mỗi năm trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 2.200 tấn chất thải sinh hoạt và 2.800 tấn chất thải công nghiệp, trong đó rác thải nylon, nhựa chiếm khoảng 300 tấn/ngày. Tỷ lệ nhựa, nylon được thu gom tái chế đạt khoảng 10%.
- Bình Dương đã có những hoạt động nào nhằm hạn chế rác thải nhựa, thưa ông?
- Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào trên địa bàn tỉnh và kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông môi trường trong năm 2019. Tháng 10-2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh và tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
- Ông có thể nêu rõ khó khăn trong thực hiện các kế hoạch trên?
- Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện các kế hoạch đạt một số kết quả khả quan. Nhận thức người dân và một số tổ chức về giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa được nâng lên; khối lượng rác thải nhựa được phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế ngày càng tăng đã góp phần giảm bớt chi phí xử lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được quá trình triển khai các chương trình cũng còn một số hạn chế.
Mặc dù các sở, ban ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch nhưng công tác tổ chức triển khai còn chậm so với kế hoạch do UBND tỉnh ban hành. Công tác tuyên truyền, giám sát người dân chưa được thực hiện thường xuyên, người dân chưa hình thành thói quen trong giảm sử dụng, phân loại, tái sử dụng, thay thế bằng vật liệu dễ phân hủy hữu cơ. Chưa huy động tốt các tổ chức, hội, đoàn thể nên phong trào chưa được tuyên truyền sâu rộng. Các tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải chưa thực hiện tốt công tác phân loại chất thải, chưa tuân thủ thời gian/tần suất thu gom… làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện.
- Vậy hướng khắc phục tiếp theo là gì, thưa ông?
- Tiếp tục thực hiện tốt, đạt hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh với các nhiệm vụ trọng tâm. Tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải đồ nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy đối với môi trường. Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế bao bì, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt và trong hoạt động các cơ quan, đơn vị. Tăng cường sản xuất và sử dụng sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sản phẩm nhựa khó phân hủy. Thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải đồ nhựa và túi nylon khó phân hủy; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ, thu gom, tái chế chất thải đồ nhựa và túi nylon khó phân hủy.
- Cảm ơn ông!
TIẾN HẠNH (thực hiện)