Trong những tuần đầu năm học mới, khi tổ chức họp phụ huynh, một số giáo viên chủ nhiệm đã lồng ghép phổ biến tình hình của nhà trường, các chương trình học và quy định về việc học sinh phải chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Đây là một cách tuyên truyền trực tiếp, hiệu quả, nhưng cũng cần có sự đổi mới hơn nữa trong các nội dung.
Cụ thể, một số phụ huynh cho biết khi nói về vấn đề an toàn giao thông, giáo viên chủ nhiệm chỉ nói chung chung về việc gia đình không nên giao xe cho con điều khiển đến trường khi chưa đủ tuổi. Rất nhiều phụ huynh mong muốn nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng soạn sẵn tờ bướm có hình ảnh, một số mức phạt đối với các lỗi thường gặp, để qua đó phụ huynh vừa tiện cập nhật, vừa dùng làm tài liệu để “răn đe” con. Song song đó, trong các tờ bướm này, nhà trường cũng nêu lên các mức xử lý mà nhà trường áp dụng nếu học sinh bị cơ quan chức năng thông báo về việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Thực tế thời gian qua tình trạng học sinh chạy xe máy phân khối lớn đến trường khá phổ biến. Có tình trạng này còn do sự “tiếp tay” của phụ huynh vì cho rằng “không có điều kiện đưa rước, để con tự đi tiện hơn”. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển cũng bị xử phạt. Cụ thể, theo điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/ NĐ-CP thì người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô. Đó là chưa nói nếu giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển mà gây tai nạn, người chủ xe có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ thiệt hại của sự việc.
L.T.PHƯƠNG