Giữa vùng đất đỏ trù phú, huyện Phú Giáo từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp tỉnh Bình Dương thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Từ những đặc sản truyền thống như bưởi da xanh, dưa lưới, sầu riêng, ổi tươi cho đến các sản phẩm chế biến rượu thủ công, tổ yến, nấm linh chi... người dân trên địa bàn huyện từng bước đưa sản phẩm đặc sản vươn xa, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đa dạng hóa sản phẩm OCOP
Trên vùng đất có diện tích tự nhiên lớn nhất của tỉnh, vốn nổi tiếng với thế mạnh nông nghiệp, huyện Phú Giáo đã và đang khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển sản phẩm OCOP. Từ những sản phẩm quen thuộc đến các chế phẩm, huyện không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu đặc trưng.
Tham gia Chương trình OCOP từ năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa) là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện Phú Giáo. Năm 2022, sản phẩm ổi của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Anh Nguyễn Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc HTX, cho biết đơn vị có 7 thành viên, chủ yếu trồng ổi nữ hoàng ruột đỏ và ổi Đài Loan. Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, giá trị sản phẩm của HTX đã được nâng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. “Không chỉ dừng ở làm logo, khẩu hiệu, chúng tôi còn luôn nỗ lực đưa chất lượng sản phẩm đi cùng thương hiệu. Năm 2025, HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP để được công nhận lại”, anh Hiếu nói.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, nhấn mạnh Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về phát triển kinh tế nông thôn dựa trên lợi thế địa phương, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông thôn toàn diện. Nhiều chủ thể OCOP đã chủ động cải tiến bao bì, xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh tiêu thụ, từng bước đưa sản phẩm tiếp cận với các sàn thương mại điện tử và chuỗi siêu thị trong khu vực. Tính đến cuối tháng 2-2025, toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, gồm 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Cần thêm “cú hích”
Hiện nay, lực lượng chủ thể tham gia OCOP trên địa bàn huyện Phú Giáo khá đa dạng, gồm HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và các mô hình trang trại. Trong đó, vai trò dẫn dắt thị trường và liên kết sản xuất - tiêu thụ của các HTX, doanh nghiệp được thể hiện rõ nét, góp phần hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong số các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, hộ kinh doanh Đinh Ngọc Khương (xã An Bình) là một điển hình cho sự kết hợp hiệu quả nội lực người dân và chính sách hỗ trợ từ địa phương về đa dạng hóa sản phẩm. Năm 2023, sản phẩm trứng gà của hộ kinh doanh này được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tiếp đến năm 2024 là sản phẩm sầu riêng mang thương hiệu Phú An Khương. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2025 ông Khương tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với bộ sản phẩm đồ uống có cồn gồm 6 mặt hàng. Ông Khương chia sẻ, việc tham gia Chương trình OCOP không chỉ giúp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để các HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, trang trại tiếp cận các tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, truy xuất nguồn gốc và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng ghi nhận cho thấy phần lớn sản phẩm OCOP của huyện Phú Giáo vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu mẫu mã hấp dẫn, chưa ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến hiện đại và chưa kết nối hiệu quả với các kênh phân phối. Theo lãnh đạo huyện, địa phương đang gặp không ít khó khăn do không giáp ranh với các đô thị lớn, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics chưa phát triển đồng bộ. Hiện nay, phần lớn sản phẩm OCOP mang tính thời vụ, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất nhỏ lẻ. Sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, công tác hỗ trợ còn hạn chế, chưa tạo động lực nâng cấp sản phẩm. Hầu hết sản phẩm OCOP vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc tươi sống, hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Trong khi đó, sản phẩm OCOP đạt 4 sao còn ít, chưa có sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Nhiều chủ thể OCOP còn lúng túng trong xây dựng phương án kinh doanh, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường.
Khó khăn nữa, là nguồn lực đầu tư cho Chương trình OCOP còn hạn chế, hoạt động xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm chưa đồng bộ, thiếu điểm trưng bày ổn định, đồng thời chưa thu hút được doanh nghiệp lớn tham gia chế biến sâu và phát triển vùng nguyên liệu.
Để Chương trình OCOP phát triển ổn định, ông Văn Quang Chinh cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại bài bản và đặc biệt là xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với sản phẩm chủ lực. Đồng thời, lồng ghép Chương trình OCOP với xây dựng nông thôn mới nâng cao, xem đây là hướng đi then chốt nhằm gia tăng giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.
Huyện Phú Giáo đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có tối thiểu 5 sản phẩm đạt 4 sao, có 1 - 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Mỗi xã, thị trấn phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng nguyên liệu và phù hợp với điều kiện canh tác tại chỗ. Đồng thời, huyện sẽ hình thành và phát triển ít nhất 10 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP. |
TIẾN HẠNH - LÝ HUY