Bình Dương đang nỗ lực hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hàng loạt giải pháp đã và đang được triển khai nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình công nghiệp
Hiện nay, Bình Dương đang tập trung chuyển đổi mô hình công nghiệp hiện hữu sang hướng công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao. Các khu công nghiệp (KCN) như Việt Nam - Singapore, Mỹ Phước, Bàu Bàng đang tiên phong xây dựng hệ sinh thái sản xuất thân thiện với môi trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tiêu chuẩn xanh. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo như điện mặt trời, xử lý nước thải tuần hoàn...
Điển hình như Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam), KCN Việt Nam - Singapore 1 (TP.Thuận An), chuyên sản xuất hàng may mặc, đã áp dụng thành công và duy trì hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015, hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 và tiêu chuẩn ISO 14064:2018 về quản lý khí nhà kính. Công ty cũng triển khai phương pháp 5S (một phương pháp để quản lý, sắp xếp môi trường làm việc) nhằm giảm thiểu lãng phí, tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu và liên tục cải tiến hoạt động của nhà máy, tạo môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn.
Trong khi đó, Công ty TNHH Wipro Consumer Care Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore 1), chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, đã áp dụng hệ thống quản lý quốc tế như GMP, ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001. Đặc biệt, từ năm 2016, công ty loại bỏ PVC (một loại nhựa nhiệt dẻo được tạo thành từ phản ứng trùng hợp vinylchloride) ra khỏi các dòng sản phẩm, thay thế bằng vật liệu thân thiện với môi trường và dễ tái chế. Đồng thời, công ty kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động phát thải và triển khai nhiều sáng kiến cộng đồng như trồng cây, thu gom rác, bảo vệ môi trường biển.
Ông Trần Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết Bình Dương đang chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới, thu hút các dự án khoa học - công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Với mục tiêu này, Bình Dương luôn quan tâm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường. Từ năm 2020 đến nay, Bình Dương đã từ chối tiếp nhận 488/943 dự án đầu tư ngoài KCN do không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Bình Dương đã ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm khỏi khu dân cư và đô thị. Nhờ đó, Bình Dương không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Nâng tầm nông nghiệp
Bên cạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương cũng chú trọng bảo vệ quỹ đất nông nghiệp và thúc đẩy mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Bình Dương khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật và quy hoạch quỹ đất hợp lý để phát triển sản xuất, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
Tại huyện Phú Giáo, nhiều trang trại áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất và giảm tác động môi trường. Cụ thể như Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) tại xã An Thái ứng dụng công nghệ cao trong trồng chuối cấy mô, bưởi da xanh, dưa lưới. Mô hình này đạt lợi nhuận sau thuế hơn 4,5 tỷ đồng/năm. Công ty còn liên kết với các hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng và tiêu thụ sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Trong khi đó, huyện Bắc Tân Uyên nổi bật với vùng chuyên canh cây ăn trái có múi lớn nhất tỉnh. Có thể kể đến trang trại của ông Lâm Thành Thương ở xã Hiếu Liêm, trên diện tích 50 ha trung bình mỗi năm trang trại xuất bán 5.000 tấn trái cây có múi như cam, quýt, bưởi, sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm chất lượng và được thị trường tín nhiệm. Nhờ đó, trang trại thu về lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Thương chia sẻ, trước đây nông dân địa phương trồng cây ăn trái theo phương pháp truyền thống. Ông tiên phong áp dụng kỹ thuật mới như móc rãnh, vun bồn trồng cây giúp kiểm soát việc ra trái và phòng trừ sâu bệnh dễ dàng hơn. Ông cũng sử dụng phương pháp cho cây ra quả trái vụ bằng cách phủ bạt nhựa lên các liếp cây, tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ thu hoạch quanh năm và chủ động nguồn cung cho thị trường.
Đặc biệt, huyện Bắc Tân Uyên đang phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Nhiều vườn cây ăn trái mở cửa cho du khách tham quan, trải nghiệm thu hoạch nông sản, tạo thêm nguồn thu cho nông dân, như trang trại Sol Retreat, trang trại của ông Lâm Thành Thương...
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bình Dương đang tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giảm sản xuất manh mún và khuyến khích mô hình nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hiện nay, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đồng thời chú trọng nông nghiệp hữu cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Bình Dương định hướng phát triển nền kinh tế sinh thái dựa trên sự cộng hưởng giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và giao thông. Trong đó, công nghiệp sinh thái phát triển trên nền tảng năng lượng sạch; nông nghiệp sinh thái gắn liền với không gian sống xanh dọc theo sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp - đô thị hài hòa; giao thông thông minh được xây dựng theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), kết nối đường thủy, đường sắt với phương tiện hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông; kiến trúc xanh, nhà ở sinh thái trở thành tiêu chuẩn kiến trúc mới, hòa hợp với thiên nhiên. Đặc biệt, khoa học - công nghệ giữ vai trò nền tảng, dẫn dắt quá trình chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp và phát triển kinh tế bền vững... |
TIẾN HẠNH