Nắng nóng đảo lộn cuộc sống người dân miền Trung

Chủ nhật, ngày 07/03/2010

 

Thiếu nước uống, nước tưới, nhiều vùng bị xâm nhập mặn do khô hạn kéo dài, người dân phải dậy sớm đi làm để tránh cái nắng gắt từ 9h sáng. Sinh hoạt, đời sống của người dân các tỉnh miền Trung đang bị đảo lộn. Những ngày này, mỗi sáng sớm sương mù xuất hiện dày đặc ở nhiều tỉnh miền Trung, thế nhưng bắt đầu đến 9h sáng, nắng trở nên gay gắt, hầm hập rát mặt người đi đường. Ai nấy đều trốn trong nhà, nếu có việc phải dậy sớm đi làm cho xong trước khi nắng gắt. Còn chiều tối, các bãi biển đông nghịt người. Những thông tin bắt được cá mập ven biển Quy Nhơn vốn làm nhiều người tắm biển lo ngại, thì nay cũng phải chịu thua với cái nóng, không ngăn được dòng người ngâm mình xuống biển.

 

Trong suốt một tuần qua, các lu bể đựng nước mưa của hơn 110 hộ dân ở ở đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hầu như cạn sạch nước. Hàng nghìn người dân nơi đây đang bắt đầu hứng chịu tình trạng thiếu nước bất thường trước đến hai tháng so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi nhận định: Do chịu ảnh hưởng của El Nino nên thời tiết miền Trung có những dấu hiệu bất thường. Hiện nay mới chỉ vào đầu tháng ba nhưng tại khu vực vùng núi đã phải chịu đợt nắng nóng thứ hai trong năm. Đợt đầu tiên bắt đầu từ ngày 24/2 đến 26/2 với nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động từ 35 đến 36 độ. Đợt nắng nóng này xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 22 ngày, ở 37-38oC, có nơi đến 39oC. Nhiệt độ cao nhất trung bình hiện nay đạt mức lịch sử, cao nhất từ trước đến nay so với cùng kỳ các năm. 

 

 

Để tiết kiệm, nhiều người dân ở đảo Bé phải sử dụng một chậu nước sạch đến bốn lần: Mỗi lần tắm thì ra biển, sau đó về nhà ngồi trong thau, chậu để dội lại bằng nước sạch. Nước lưu lại trong thau dùng để giặt đồ, rồi lau nhà, cuối cùng mới đem ra tưới rau ngoài vườn.

 

Do nguồn nước khan hiếm nên nước ngọt chủ yếu dùng để nấu cơm, thức ăn và nấu nước uống. Bà Nguyễn Thị Lê vừa cầm quạt xua đi nắng nóng oi bức, vừa nói: "Hơn một tuần qua, chúng tôi phải đặt mua nước ngọt từ bên đảo Lớn chở sang để dùng trong sinh hoạt, nấu ăn hàng ngày".

 

Ông Trần Minh Hoằng, Phó chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, suốt hai tháng qua, ở đảo Bé hầu như không có giọt mưa nào nên các lu, bể dự trữ nước của các hộ dân trên đảo cạn kiệt. Nắng nóng kéo dài đã khiến vụ hành trái vụ của người dân trên đảo mất trắng.

 

Nắng nóng kéo dài nên trong ba ngày qua, UBND huyện Bình Sơn đã huy động hàng nghìn người dân tham gia đắp đập ngăn biển xâm nhập mặn tại hai xã Bình Dương và Bình Thới. Kinh phí xây đập lên đến 370 triệu đồng.

Trẻ con ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, phải ngồi tắm ở thau để dùng nước này giặt quần áo, lau nhà rồi mới tưới cây.

 

“Huyện Bình Sơn cũng vừa quyết định chi 2 tỷ đồng để huy động lực lượng nạo vét các công trình hồ đập, kênh mương nội đồng và hỗ trợ xăng, dầu cho hơn 100 trạm bơm lớn, nhỏ ở các vùng trọng điểm khô hạn trên địa bàn huyện”. Ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn nói.

 

Hàng nghìn hộ dân Quảng Ngãi cũng đang “khóc ròng” vì nắng nóng làm nứt, toác dưa hấu trên đồng ruộng. Tại các huyện miền núi, mặc dù sáng sớm tiết trời mù sương se lạnh nhưng đến gần giữa trưa là nắng chang chang, ngột ngạt lên đến 37oC, có nguy cơ cao gây cháy rừng.

 

Tại Quảng Nam, hàng chục nghìn ha lúa đang phải hứng chịu khô hạn khi nước sông Thu Bồn nhiễm mặn nặng và sớm hơn các năm trước. Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Xí nghiệp khai thác thủy lợi huyện Điện Bàn cho biết, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, nồng độ mặn đo được tại các trạm bơm Tứ Câu, Cẩm Sa, Vĩnh Điện tăng đột biến từ 2 phần nghìn đến 2,8 phần nghìn, trong khi độ mặn cao nhất cho phép chỉ tới 0,8 phần nghìn.

 

Đây là những trạm bơm đảm bảo nước tưới cho hơn 1.000 ha lúa đông xuân của huyện Điện Bàn và thành phố cổ Hội An. Hiện tại số diện tích lúa này đang thời kỳ làm đòng, trổ bông nên độ mặn càng ảnh hưởng lớn đến năng suất. Còn tại huyện Duy Xuyên, chính quyền đã huy động dân dùng cát xây đập dâng tại Cầu Đen, ngăn không cho mặn xâm nhập sâu để lấy nước tưới cho 600 ha lúa.

 

Nắng hạn cũng đã bắt đầu ảnh hưởng lớn đến khu vực Bình Định, Gia Lai. Hàng nghìn hộ dân đang gồng mình chống hạn trên những cánh đồng hoa màu như đậu phộng, dưa…đang trong giai đoạn chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Anh Lê Hưng, một nhà nông ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, than thở: “Nắng nóng kéo dài, cánh đồng đậu phộng (lạc) ở đây một tuần phải bơm nước nhiều lần, có lúc bơm chỉ mới ba ngày đậu đã héo lá. Nóng kiểu này thu hoa màu chắc không ra gì rồi”.

 

Nắng nóng đã làm cho các huyện khu đông tỉnh Bình Định bắt đầu xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt các khu dân cư và những cánh đồng. Những dòng sông, suối trên địa bàn tỉnh bắt đầu cạn kiệt, trơ đáy, hàng nghìn hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng.

 

Trong những ngày này, nhiều quán nước ở thành phố Quy Nhơn và các địa phương lân cận, mặc dù các trang bị hệ thống phun sương điều hòa nhưng hành khách vẫn phải dùng quạt giấy để xua đi tiết trời nóng oi bức...

(Theoi VnE)