(BDO) Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, có không ít bệnh nhân phải cấp cứu tại các cơ sở y tế vì nhồi máu cơ tim. Trong số đó có bệnh nhân L.V.T, 63 tuổi rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”.
Người nhà bệnh nhân cho biết, anh L.V.T đang làm việc tại xưởng cưa gỗ thì đột ngột mệt, ngất xỉu rối loạn tri giác và hôn mê. Đồng nghiệp nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện đa khoa tư nhân cấp cứu.
Các bác sĩ ghi nhận tình trạng người bệnh hôn mê sâu, đồng tử 2 bên không phản xạ ánh sáng, ngưng thở, không tìm thấy mạch và huyết áp.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu thành công người bệnh bị nhồi máu cơ tim
Sau 15 phút cấp cấp người bệnh có nhịp tim nhưng vẫn còn nguy kịch nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng rung thất ngưng hô hấp tuần hoàn, tỷ lệ tử vong cao. Ê kíp tim mạch tiến hành can thiệp động mạch vành, đặt 1 sten vào thân chung mạch vành.
Sau can thiệp người bệnh qua cơn nguy kịch, các chỉ số huyết động dần hồi phục, người bệnh tỉnh táo đã cai máy thở và chờ ngày xuất viện.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Trời nóng nắng, nền nhiệt tăng khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, dễ mất nước, giảm lượng máu lưu thông khiến tim phải đập nhanh hơn và tăng sức co bóp để cung cấp đủ máu cho cơ thể.
Do đó, khi vận động hoặc làm việc trong thời tiết nắng nóng, thân nhiệt sẽ tăng lên, mất nước, mất dịch, các cơ quan dễ bị tổn thương, nhất là tim mạch và hệ thần kinh. Tim gặp tổn thương sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, thiếu tập trung, huyết áp tăng và tim đập nhanh.
Để phòng tránh bệnh trong mùa nắng nóng, cần cải thiện môi trường sống, làm việc, phòng ở, phòng làm việc thoáng khí, có quạt mát, ăn đủ chất, nên ăn thức ăn nhẹ, lỏng, không nên ăn nhiều tinh bột và uống đủ nước cho cơ thể.
Kim Hà