(BDO) Thời điểm tháng 4 năm ngoái, măng cụt xanh cùng món gỏi gà độc đáo ở Bình Dương trở thành “cơn sốt” trào lưu ăn uống với giá bán cao. Tuy nhiên, năm nay thời tiết nắng nóng bất lợi, nhiều nhà vườn trồng măng cụt đượm buồn vì cây vẫn chưa... đậu trái.
Một số vườn măng cụt tại Bình Dương vẫn chưa đậu nhiều trái. Ảnh: Thượng Hải
Măng ra trễ do thời tiết
Khác với thời điểm này vào năm ngoái, anh Trần Thanh Phong (33 tuổi), quản lý vườn măng cụt tại xã Phú An, TP.Bến Cát, thở dài cho biết năm nay măng cụt bị mất mùa, có thể giảm 2 - 3 lần so với trước.
“Dịp lễ 30-4 và 1-5 mà vườn nhìn chỉ thấy lá, gần 300 gốc măng cụt chỉ mới trổ, nhiều trái mới lớn bằng đầu ngón tay cái. Các chủ vườn khác ở xã An Sơn, TP.Thuận An thì cũng gặp tình trạng tương tự”, anh Phong chia sẻ.
Thông thường, vào đầu mùa măng cụt vào tháng 3 âm lịch hàng năm, có lúc đỉnh điểm một ngày anh Phong thu được 1,3 tấn măng cụt. Nếu bán măng ruột làm gỏi gà, một ngày anh làm hơn 20kg măng cụt xanh với giá dao động 800.000 - 1.000.000 đồng/kg.
“Măng cụt tại vườn tôi năm nay đến mùng 5-5 âm lịch mới thu trái, chắc chỉ đạt 500kg/ngày. Tôi cũng đang tìm nguồn măng cụt xanh ở chỗ khác nhưng lại khá khan hiếm, giờ một ngày chỉ gọt được khoảng 5kg”, anh Phong cho hay.
Không chỉ các nhà nông gặp khốn đốn, khi liên hệ đến nhiều chủ vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái ở Bình Dương, như: Tân An (TP.Thủ Dầu Một), An Sơn, Lái Thiêu, Hưng Định (TP.Thuận An), nhiều chủ vườn than thở vì cây măng cụt không có trái, ngại mở cửa.
Tuy đầu mùa, nhưng măng cụt mới lớn chỉ bằng ngón tay cái. Ảnh: Thượng Hải
Sở hữu khu vườn có diện tích hơn 5.000m2 với 45 gốc măng cụt, ông Huỳnh Chánh Phước (48 tuổi), chủ vườn trái cây Ba Tâm (P.Hưng Định, TP.Thuận An), cho biết: “Đầu mùa mà măng cụt chỉ cho số lượng khoảng 20 - 25%, thời điểm này mà trái chỉ bằng đầu ngón chân cái, nhiều cây chỉ ra lộc (lá non) thì rụng luôn. Dịp lễ năm nay chưa dám quảng bá gỏi gà măng cụt đặc sản”.
Ông Phước cũng cho biết thời gian này, có nhiều khách từ TP.HCM gọi đặt lịch thăm vườn măng cụt, nhưng phải hướng khách sang cây ăn trái khác tại vườn, như: dâu, chôm chôm, mít tố nữ, sầu riêng…
Gỏi gà măng cụt hụt nguồn cung
Có kinh nghiệm nhiều năm trồng măng cụt, ông Phước cho biết tình trạng mất mùa có thể do nắng nóng kéo dài, vì cây măng cụt ưa lạnh mới cho nhiều trái. Bên cạnh nắng nóng, thiếu nước, theo ông Phước năm rồi nhiều nhà vườn tại Bình Dương trúng đậm măng cụt, do đó cây chưa phục hồi kịp nên ra trái muộn.
Ông Phước lo lắng dịp lễ năm nay sẽ có ít khách tham quan vì vườn không đạt sản lượng. Ảnh: Thượng Hải
“Vườn tôi trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên khách du lịch hay ghé vào dịp lễ, cuối tuần. Năm ngoái, khách đến tham quan vườn đông, đặc biệt là món gỏi gà măng cụt bán rất được giá, khoảng 600.000 - 650.000 đồng/phần. Còn năm nay chỉ hy vọng cây ra nhiều trái vào mùng 5-5 âm lịch”, chủ vườn này cho hay.
Khi được hỏi: “Măng cụt bị mất mùa, nhưng tại sao ở nhiều nơi vẫn bán măng cụt xanh Bình Dương làm gỏi gà?”, anh Phong chia sẻ có thể nhiều người lấy nguồn hàng từ miền Tây hoặc các tỉnh lân cận, như: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai. Nếu không phải người sành ăn, không thể biết được măng cụt Bình Dương chính gốc.
Du khách rất thích thưởng thức đặc sản gỏi gà măng cụt Bình Dương. Ảnh: Thượng Hải
Theo ông Phước, để làm một phần gỏi gà măng cụt thường phải gọt khoảng 25 trái, mọi năm, vườn chỉ thu một nửa số măng cụt xanh để trộn gỏi cho khách du lịch, còn lại là trái chín để bán.
“Năm nay mất mùa, nếu ít măng cụt xanh thì tôi dự định thay thế bằng gỏi gà trộn bắp chuối, nếu khách vẫn muốn ăn đặc sản cũng thương lượng trước xem họ có muốn ăn gỏi gà trộn với măng cụt nơi khác hay không. Kinh doanh phải uy tín, vườn mình không đủ măng cụt thì phải báo trước để khách không phải mất công đến rồi thất vọng”, ông Phước bộc bạch.
Thượng Hải