Ở các xã ven biển của huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh), hơn 1.000 ha nuôi tôm của dân bị thiệt hại, tôm chết trên 100 triệu con.
Nguyên nhân, bà con thả giống trước lịch thời vụ, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước tăng cao, một số vùng ao nuôi bị kiệt nước.
Thả tôm trái vụ ở Trà Vinh, chỉ còn nước trắng.
Bệnh trái vụ
Sơ kết việc nuôi tôm sú mấy tháng đầu năm 2010, ông Phạm Nam Dương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh,Trưởng ban Chỉ đạo nuôi tôm vùng ngập mặn, cho biết, 4 huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Châu Thành có 8.286 hộ thả nuôi 535 triệu con tôm sú trên 9.352 ha. Đến nay, đã có 101 triệu con tôm giống của 1.013 hộ bị chết với diện tích hơn 1.044 ha.
Ông Nguyễn Văn Mẵng, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh (Duyên Hải), lo lắng, chưa đến vụ thì nông dân lén lút mua tôm nhập lậu (không qua kiểm dịch) đem về tận ao để thả nuôi; dù xã có cử cán bộ theo dõi kiểm tra nhưng không xuể.
Tính đến trung tuần tháng 3-2010, toàn xã có 692 hộ thả nuôi hơn 52 triệu con giống, với diện tích 668 ha. Đã có 391 hộ bị thiệt hại 32 triệu con tôm, chiếm hơn 60% số giống thả nuôi. Chỉ mới điều tra sơ bộ, nông dân trong xã bị thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Nhân ở xã Đông Hải (Duyên Hải), cho biết, để tránh điệp khúc được mùa rớt giá, những năm gần đây bà con thả, nuôi tôm trái vụ để bán giá cao. Nhưng đa số tôm nuôi trước thời vụ đều chết.
“Tôi có 9.500 m2 ao nuôi áp dụng mô hình nuôi quảng canh cải tiến, thả 38.000 -45.000 con tôm giống trước thời vụ, nhưng chỉ thu hoạch được 110 kg, bán được 8,8 triệu đồng, tương đương 4.400 con tôm thịt (chiếm khoảng 11% số lượng tôm giống thả nuôi). Có vụ thời tiết bất thường, tôm sú nuôi được 30 - 45 ngày tuổi bị chết đồng loạt, coi như mất trắng”, ông Nhân nói.
Ông Võ Quốc Công ở xã Dân Thành (Duyên Hải), than thở: “Nuôi tôm trái vụ vẫn biết rủi ro cao nhưng thường bán được giá nên bà con xé rào”.
Nuôi tôm trái vụ là căn bệnh cũ ở Trà Vinh, nhưng năm nay thiệt hại lớn hơn bởi thời tiết nắng nóng kéo dài, gay gắt và xâm nhập mặn sớm. Tuy nhiên, người nuôi tôm thiệt hại lớn, còn các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống vẫn thu lợi nhuận.
Đổ lỗi khách quan
Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, vụ tôm 2010 chỉ cho phép nông dân của một số xã Đông Hải, Hiệp Thạnh, Long Khánh, Long Vĩnh, Trường Long Hòa (Duyên Hải) thả nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến (tôm-rừng) vào cuối tháng 12.
Thả nuôi tôm sú theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp thống nhất chung của 4 huyện ven biển là thả giống kể từ ngày 15-3 đến 30-3-2010. Nuôi tôm thẻ chân trắng, tùy theo vùng nuôi nên thời gian thả giống bắt đầu thả vụ 1 ngày 20-3-2010, vụ 2 bắt đầu thả 16-7-2010.
Tuy nhiên, chỉ mới đầu tháng 2-2010, nông dân các huyện Cầu Ngang, Châu Thành và Trà Cú có 583 hộ đã “xé rào” thả giống trước lịch thời vụ với hơn 25 triệu con tôm giống trên diện tích khoảng 530 ha. Nguyên do, cuối năm 2009 đầu năm 2010, giá tôm sú nguyên liệu liên tục tăng.
Ông Huỳnh Văn Linh ở xã Đông Xuân (Trà Cú), bức xúc: “Đã đến lúc Nhà nước cần có biện pháp quản lý thời vụ, chấn chỉnh những ai nuôi tôm trái vụ, làm lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến lợi ích chung. Quản lý không đổ lỗi cho khách quan nữa. Có như vậy nghề nuôi tôm mới ổn định, hạn chế rủi ro”.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học có đến 90% hộ nuôi tôm trước lịch thời vụ thường bị thua lỗ do thời tiết còn lạnh, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, độ mặn, pH,…không ổn định gây ra tôm chết hàng loạt, dịch bệnh lây lan.
Năm 2009 trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Châu Thành đã có trên 440 triệu con tôm sú giống bị thiệt hại, trong đó có khoảng 132 triệu con tôm sú giống bị thiệt hại do thả nuôi trước lịch thời vụ.
Theo Tiền Phong