Năng suất điều Việt Nam đang giảm dần!

Cập nhật: 23-03-2010 | 00:00:00

Tại các cuộc hội thảo về cây điều và lĩnh vực sản xuất, chế biến điều trong khuôn khổ lễ hội “Quả điều vàng Việt Nam - Bình Phước 2010”, các nhà khoa học, quản lý đều cho rằng, năng suất điều Việt Nam đang giảm dần, kể cả năng suất cây điều và năng suất chế biến...

Nguyên nhân làm năng suất điều giảm

Theo thống kê của Cục Trồng trọt - Phân viện Quy hoạch và Kinh tế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) thì Việt Nam hiện là nước chế biến và xuất khẩu điều số 1 của thế giới. Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế làm năng suất điều giảm dần. Năm 1995 năng suất điều bình quân là 5,6 tạ/ha; năm 2000 tăng lên 6,4 tạ/ha; năm 2005 là 10,6 tạ/ha, nhưng sau đó lại giảm dần và đến năm 2009, sản lượng điều bình quân chỉ đạt 8,6 tạ/ha. Năm 2009, sản lượng điều cả nước cũng chỉ ở mức 300.000 tấn và chỉ đáp ứng được 50% nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.

Theo Cục Trồng trọt, năng suất cây điều giảm ngoài nguyên nhân diện tích điều bị thu hẹp còn do diễn biến thời tiết thất thường; sâu bệnh gây hại trên diện rộng và biến động của giá cả thị trường. Đặc biệt phần lớn diện tích điều hiện có đều được trồng từ trước năm 1995 bằng giống điều chất lượng kém, cây giống ươm bằng hạt, chăm sóc không chu đáo nên dẫn đến tình trạng năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, người trồng điều ít ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), chủ yếu trồng theo phong trào và chưa có định hướng cụ thể nên khi cây điều thất thế họ sẵn sàng quay lưng với loại cây “xóa đói giảm nghèo” này.

Để cây điều có thể nâng cao vị thế trong thời gian tới, ngành điều còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt là kêu gọi các nhà chế biến hạt điều liên kết đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng từ hạt điềuÔng Hoàng Quốc Tuấn, cán bộ Phân viện Quy hoạch và Kinh tế nông nghiệp, cho biết khoảng 20 - 25% diện tích điều trồng từ trước năm 1990 bằng giống kém chất lượng, trên đất xấu, ít được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật và bị sâu bệnh gây hại nên thường bị vàng lá, ít hoa, tỷ lệ đậu trái thấp, hạt nhỏ... Tính đến năm 2009, cả nước có khoảng 50.000 ha điều có biểu hiện già cỗi; còn tỷ lệ diện tích trồng điều ghép tính đến năm 2009 cũng chỉ mới đạt 44 - 45%, song tỷ lệ cây điều được ghép bằng mắt ghép lấy từ cây đầu dòng được cơ quan có thẩm quyền cấp chỉ đạt khoảng 50% trong số diện tích được ghép. Điều này lý giải vì sao diện tích trồng điều ghép có tăng nhưng năng suất điều lại giảm.

Đâu là giải pháp?

Thực trạng trên đã làm ngành điều Việt Nam gặp phải những thách thức lớn, trong đó đặc biệt là vấn đề thiếu nguyên liệu. Theo Cục Chế biến - Thương mại Nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), hiện nguồn nguyên liệu điều trong nước chỉ đáp ứng 50% năng lực sản xuất. Nguyên liệu nhập khẩu giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì các nước xuất khẩu điều thô đang có kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

Do vậy, với diện tích cây điều hiện có hơn 400.000 ha, bên cạnh việc thay thế các vườn điều già cỗi bằng cây điều ghép các giống điều cho năng suất cao và chất lượng hạt tốt; ứng dụng các tiến bộ KHKT hiện đại trong sản xuất cần trồng xen cây ngắn ngày và cây dài ngày trong vườn điều trong những độ tuổi khác nhau để giúp tăng năng suất và chất lượng hạt điều, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Từ đó mới có thể đa dạng hóa sản phẩm, giảm thiểu rủi ro cho người trồng điều khi điều kiện thời tiết và giá cả diễn biến không thuận lợi.

Trong bài phát biểu khai mạc Lễ hội “Quả điều vàng Việt Nam - Bình Phước 2010”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nhắc nhở, tuy hiệu quả kinh tế chưa cao nhưng điều là cây dễ trồng, mau cho thu hoạch, nhanh chóng đem lại thu nhập cho nông dân vùng sâu, vùng xa. Vì những lợi ích như đã phân tích, cần tiếp tục đưa tiến bộ KHKT vào việc trồng và chăm sóc cây điều, nhất là các giống điều mới. Các nhà chế biến điều cần liên kết lại với nhau để nâng cao giá trị gia tăng từ hạt điều.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ NGUYỄN QUÂN: “Cần có chỉ dẫn địa lý về cây điều...”

Cây điều là một trong những loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chỉ dẫn địa lý về cây điều nên vị thế của cây điều vẫn chưa được nâng cao. Bên cạnh đó số lượng các DN sản xuất, chế biến hạt điều đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm còn quá ít so với tiềm năng của ngành này. Vì vậy, giá trị và thế mạnh các sản phẩm chế biến từ điều chưa được nâng lên. Cần phải có những hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho các DN chế biến, sản xuất hạt điều ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào bảo quản, chế biến hạt điều... Từ đó mới có thể nâng cao giá trị của cây điều.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=389
Quay lên trên