Nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Cập nhật: 21-02-2024 | 09:01:45

 Huyện Phú Giáo được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, là điều kiện lý tưởng cho phát triển nông nghiệp. Nơi đây đang nổi lên như một điểm sáng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với chất lượng cao, mang đậm bản sắc địa phương.

 Sản phẩm na dứa Đài Loan của HTX Nông nghiệp Bình Dương đạt OCOP 3 sao

Đa dạng sản phẩm

Đến với Phú Giáo, du khách không khỏi ấn tượng với sự đa dạng của các sản phẩm OCOP. Từ những trái cây thơm ngon như bưởi da xanh, dưa lưới, sầu riêng Ri6 đến những sản phẩm đặc trưng, độc đáo như mật ong, na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim... Tất cả đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Dương (xã Phước Sang) được thành lập từ năm 2015 và đặc biệt thành công với việc thuần hóa giống cây mới na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim thành sản phẩm đặc trưng, mang nét biểu trưng riêng của địa phương. Ông Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương, cho biết: “Sản phẩm được HTX mạnh dạn trồng thử nghiệm bắt đầu từ năm 2017. Sau một thời gian nghiên cứu về đặc tính gen của cây, phân tích thành phần đất, thổ nhưỡng phù hợp, đến năm 2019 đã cấy giống thành công. Tiếp đó, HTX nghiên cứu để sản xuất ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, có thị trường tiêu thụ tốt và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao”.

Hiện nay, cây sầu riêng cũng được xem là loại cây ăn trái chủ lực của huyện, tổng diện tích trồng 239 ha với khoảng 35 hộ canh tác. Các hộ đã áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Hộ anh Đặng Văn Xuân, ấp 5 xã Tân Hiệp với khoảng 4 ha cho thu nhập từ 800 - 900 triệu đồng/ năm. Năm 2023, sản phẩm sầu riêng Phú Tân của gia đình anh được hội đồng huyện đánh giá, công nhận tiêu chuẩn 3 sao. Theo anh Xuân, xây dựng Chương trình sản phẩm OCOP sẽ giúp các chủ thể phát triển sản phẩm một cách bền vững, đồng thời vừa tạo được đột phá, bắt kịp xu hướng thị trường.

Bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết: “Sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai thực hiện một cách chủ động, bảo đảm đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Đến nay 11/11 xã, thị trấn đều có cán bộ phụ trách theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thực hiện chương trình”.

Nâng tầm giá trị

Bà Huỳnh Ngọc Ánh cho biết thêm, các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới… Qua Chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, huyện Phú Giáo hướng đến phát triển du lịch OCOP, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất và thưởng thức những sản phẩm OCOP chất lượng. Ông Lê Văn Thuận, HTX Nông nghiệp Bình Dương, chia sẻ: “HTX phát triển sản phẩm chuỗi du lịch nông nghiệp công nghệ cao để thu hút du khách đến tham quan mô hình trồng na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim. Qua đó, giúp quảng bá và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất”.

Theo lãnh đạo huyện, Chương trình OCOP chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn vẫn còn một số mặt tồn tại nhất định, cần khắc phục. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân còn chưa được thường xuyên; một số chủ thể đăng ký tham gia nhưng quyết tâm chưa cao, bị động; việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, bán hàng OCOP chưa được thực hiện nhiều, việc sản xuất của các chủ thể còn nhỏ lẻ, không đồng nhất về chất lượng… Sản phẩm OCOP của huyện đạt 3 - 4 sao nhiều nhưng chưa trở thành sản phẩm hàng hóa, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.

Để phát huy những thành tựu đã đạt được cũng như khắc phục hạn chế còn tồn tại, đồng thời đưa ra các giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm OCOP huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, đồng thời phải nâng cấp sản phẩm hiện có, không chạy theo số lượng. Xây dựng sản phẩm phải có tính chủ lực, khuyến khích đưa các giá trị văn hóa, đặc thù của huyện Phú Giáo vào các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển thị trường nông sản, hỗ trợ kết nối cung cầu, phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ, hệ thống phân phối phù hợp...

 Đến hết tháng 11-2023, huyện Phú Giáo đã được đánh giá và công nhận 21 sản phẩm OCOP (trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao). Đồng thời, huyện nghiên cứu tập trung đầu tư nâng cấp các sản phẩm 4 sao phấn đấu trở thành sản phẩm 5 sao để có cơ hội xuất khẩu.

 HẠNH NHI - LÝ HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=176
Quay lên trên