Nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp

Thứ sáu, ngày 04/10/2024

(BDO)  Huyện Bàu Bàng đang khai thác tối đa tiềm năng về đất đai để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Theo đó, ngành nông nghiệp của huyện không ngừng nỗ lực áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, giảm thiểu sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

 Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp phát triển nền nông nghiệp sạch tại huyện Bàu Bàng. Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại xã Long Nguyên

 Phát huy lợi thế đất nông nghiệp

Cùng với nguồn nước dồi dào, diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 80% tổng diện tích đất tự nhiên, huyện Bàu Bàng đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, từng địa phương trồng loại cây phù hợp. Theo đó, diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở phía Tây của huyện, địa phương chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, các địa phương phía Tây như các xã Cây Trường II, Lai Hưng, Trừ Văn Thố, Long Nguyên, một phần thị trấn Lai Uyên đã phát triển những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, sầu riêng… Đối với các địa phương phía Đông của huyện như các xã Hưng Hòa, Tân Hưng phù hợp phát triển nông nghiệp đô thị, cụ thể là cây ăn trái các loại trồng trong chậu, trồng theo quy trình hữu cơ, trong nhà lưới, cây rau ăn lá, ăn quả, cây cảnh, bonsai...

Ông Nguyễn Văn Đầy, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Trường II, cho biết hiện nay trên địa bàn xã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quảkinh tếcao cho người dân. Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh của hộ bà Nguyễn Khắc Xuân, ấp Bà Tứ và hộ ông Mai Quốc Thái, ấp Suối Cạn sử dụng công nghệ tưới phun sương và bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt; mô hình chăn nuôi heo theo phương pháp chuồng lạnh, khép kính của hộ ông Ngô Hữu Hiệp, ấp Ông Thanh; mô hình trồng tre lấy măng của Hợp tác xã sản xuất măng tre Điền Trúc; mô hình trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Bình, ấp Ông Chài...

Để phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp và hướng tới sự phát triển bền vững, huyện Bàu Bàng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục làm tốt việc đánh giá lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp địa phương, nhu cầu thị trường và tình hình xuất khẩu nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn trong thời gian tới để người nông dân sản xuất phù hợp.

Nâng cao hiệu quả các mô hình

Từ định hướng trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của huyện cũng như mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện có chiều hướng phát triển mạnh và được nhân rộng. Các trang trại, mô hình nông nghiệp trồng các loại cây, chăn nuôi phù hợp với lợi thế địa phương, mang lại ưu thế cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Điển hình như tổ hợp tác rau an toàn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi vịt lạnh ở xã Trừ Văn Thố; mô hình nuôi lươn không bùn, trồng rau thủy canh trong nhà lưới ở xã Lai Hưng; mô hình bưởi da xanh trang trại Nguyễn Thanh Thủy, mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở xã Long Nguyên; mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Hợp tác xã HTP Green, thị trấn Lai Uyên...

 Mô hình chăn nuôi vịt lạnh khép kín của gia đình anh Trần Văn Tính (xã Trừ Văn Thố)

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vịt lạnh khép kín quy mô gần 2.000m2, gia đình anh Trần Văn Tính ở tổ 1, ấp 4, xã Trừ Văn Thố đã thành công với mô hình này, hàng năm thu lợi nhuận hàng tỷ đồng. Anh Tính cho biết, ngoài đầu tư trang bị hệ thống máng ăn, nước uống tự động, gia đình anh đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Nhờ đó, đàn vịt ít bị dịch bệnh, phát triển tốt, mỗi lứa anh xuất khoảng 10.000 con.

Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch ngày càng cao, việc sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất không sử dụng hóa chất hoặc hạn chế sử dụng hóa chất để BVMT sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu tất yếu. Địa phương đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, phát triển chế biến nông nghiệp; cùng với đó đổi mới tổ chức sản xuất và hình thành phát triển theo chuỗi giá trị...

 Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện được triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp hữu cơ (phân bón hữu cơ, thuốc sinh học...) trong sản xuất nông nghiệp và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo yêu cầu của thị trường.

 HẠNH NHI