* Yemen và Syria vẫn bất ổn
Một cuộc không kích do NATO chỉ huy đã giết hại 13 lính thuộc lực lượng chống chính phủ Libya, người phát ngôn lực lượng này thông báo, nhưng thủ lĩnh phe nổi dậy kêu gọi NATO tiếp tục các hành động quân sự nhằm vào lực lượng của nhà lãnh đạo Gaddafi.
13 tay súng của lực lượng nổi dậy thiệt mạng trong cuộc không kích đêm 1-4 ở thị trấn dầu mỏ Brega.
NATO ngay sau đó cũng tuyên bố họ đang điều tra tin nói rằng một vụ không kích của liên minh đánh trúng một đoàn xe của chiến binh của phe nổi dậy ở Libya gần thành phố Brega ở miền đông, giết chết 13 người.
Có tin cho rằng được không lực NATO yểm trợ, phe nổi dậy cho biết đã kiểm soát được thành phố Brega, cách Tripoli 800km về phía đông.
Một người phát ngôn cho phe đối lập nói rằng vụ tấn công này là một sự cố. Một thủ lĩnh của phe nổi dậy khẳng định rằng các chiến binh vẫn ủng hộ các cuộc không kích.
Viên thủ lĩnh cũng loan tin tại dinh luỹ của lực lượng này ở Benghazi, hội đồng lực lượng chống nhà lãnh đạo Libya Gaddafi đã bầu ra một “nhóm khủng hoảng”, gồm cựu Bộ trưởng Nội vụ được bầu làm Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, để điều hành những phần lãnh thổ phe nổi dậy chiếm được quyền kiểm soát.
Khi vụ việc này xảy ra, đoàn xe của phe nổi dậy đang đi tới Brega, một trong những thành phố dầu lửa nằm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải mà phe Gadhafi đã chiếm lại từ tay phe nổi dậy sau khi giao tranh bắt đầu hồi trung tuần tháng hai.
Lực lượng ủng hộ ông Gadhafi hầu như đã đẩy lui các chiến binh không được huấn luyện và có ít vũ khí của phe nổi dậy ở Brega, mặc dù phe nổi dậy được cho là đã chiếm được khu vực xung quanh trường đại học Brega.
Dù vậy, chỉ huy quân đội Mỹ thừa nhận chưa bẻ gãy được quân đội của Đại tá Gadhafi cho dù liên quân đã tổ chức hàng trăm cuộc không kích ở Libya.
Đô đốc Mike Mullen phát biểu trước một ủy ban của Hạ viện rằng hỏa lực của quân chính phủ Libya vẫn còn gấp 10 lần quân nổi dậy.
Hôm 1-4, một thủ lĩnh phe nổi dậy đã đề nghị một cuộc ngưng bắn với điều kiện binh sĩ chính phủ trước tiên phải rút ra khỏi những thành phố mà họ đang kiểm soát và chấm dứt việc vây hãm những thành phố nằm trong tay phe nổi dậy. Đề nghị này lập tức bị chính phủ của ông Gadhafi bác bỏ và cho là một thủ đoạn lừa gạt. Một phát ngôn viên chính phủ nói với các nhà báo tại thủ đô Tripoli rằng những đòi hỏi của phe nổi dậy là cực kỳ vô lý.
Cũng trong ngày, chính phủ Libya mô tả những vụ không kích đang tiếp diễn của liên quân Tây phương để hỗ trợ cho phe nổi dậy là “những tội ác chống nhân loại.” Họ nói rằng ít nhất 6 thường dân thiệt mạng trong một vụ không kích hôm 31-3 ở một ngôi làng gần Brega.
Liên quan tình hình khu vực Trung Đông- Bắc Phi
Tại Yemen, các lãnh đạo đối lập nước này đang hối thúc Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức và chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống.
Đây là lần đầu tiên phe đối lập đưa ra một đề xuất có thể sẽ chấm dứt các cuộc biểu tình đẫm máu phản đối ông Saleh vốn đã nổ ra từ cuối tháng 1.
Kế hoạch của phe đối lập kêu gọi phó tổng thống của ông Saleh là ông Abd al-Rab Mansur al-Hadi làm tổng thống lâm thời và giám sát việc tái cơ cấu quân đội cũng như lực lượng an ninh.
Tổng thống Saleh đã đề nghị chuyển giao quyền lực sau khi các cuộc bầu cử mới được tiến hành, có thể là vào cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2013. Ông đã nắm quyền trong suốt 32 năm qua.
Phe đối lập Yemen đã yêu cầu thành lập một hội đồng tổng thống để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 6 tháng. Họ nói rằng họ đang tìm cách cải cách hiến pháp và tổ chức bầu cử.
Hôm qua, những người biểu tình phản đối ông Saleh và những người ủng hộ chính phủ đã tiến hành các cuộc tuần hành riêng rẽ ở thủ đô Sanaa. Các cuộc tuần hành của phe đối lập cũng được tổ chức ở các thành phố khác. Tin cho hay ít nhất 5 người biểu tình đã bị thương trong các vụ đụng độ.
Còn ở Syria, hôm qua, xung đột đã nổ ra dữ dội giữa những người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh mà diễn ra rầm rộ nhất là tại thành phố Daraa ở miền nam, trung tâm của các cuộc biểu tình trong hai tuần qua, và ở Homs, phía bắc thủ đô. Số người thiệt mạng trong những vụ xô xát 2 ngày qua ít nhất là 7.
Chính phủ đổ lỗi cho các nhóm vũ trang đã gây ra vụ bạo động.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Syria và nói rằng một cuộc đối thoại gồm nhiều thành phần tham gia là cách thức để “đáp ứng ước vọng chính đáng của người dân Syria.”
Những cuộc biểu tình của phe chống đối đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho quyền cai trị trong 11 năm nay của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo Dân Trí