NATO và Mỹ lại khơi mào căng thẳng với Nga

Cập nhật: 26-02-2011 | 00:00:00

Lâu nay, hễ “động” đến vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO ở châu Âu mà có sự tham gia của một bên thứ ba không phải Nga thì sự phản đối từ phía Moscow nhất định sẽ xảy ra

 

 Ngày 24-2, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Rasmussen thăm chính thức Ukraine nhằm thảo luận khả năng nước này tham gia Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu. Những động thái này chắc chắn sẽ lại “khơi mào” căng thẳng mới giữa NATO, Mỹ với Nga liên quan đến vấn đề vốn hết sức nhạy cảm này.

 

Nói “khơi mào căng thẳng” là bởi lâu nay, hễ “động” đến vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO ở châu Âu mà có sự tham gia của một bên thứ ba không phải Nga thì sự phản đối từ phía Moscow nhất định sẽ xảy ra. Lần này với Ukraine cũng không là ngoại lệ.

 

Còn nhớ, hồi tháng 10 năm ngoái, khi Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa với các quốc gia không thuộc NATO, cụ thể là với Ukraine, Nga đã lập tức bày tỏ thái độ thực sự quan ngại của mình. Điều càng dễ khiến Nga không thể đồng tình là ý định của NATO về một khả năng “mời” Ukraine tham gia là được sử dụng các trạm radar cũ hoặc triển khai một trạm radar mới tại quốc gia thuộc Liên Xô cũ này như một phần của chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ.

 

Vào tháng 11-2010, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Lisbon (Bồ Đào Nha) đã đạt đồng thuận về một số nội dung chính trong chương trình nghị sự, bao gồm Khái niệm Chiến lược mới và Kế hoạch thành lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) trên phạm vi toàn châu Âu.

 

Về vấn đề NMD, Tổng thống Mỹ Barak Obama và các đồng minh NATO đã nhất trí thành lập lá chắn phòng thủ chống tên lửa mới trên phạm vi toàn châu Âu và mời Nga tham gia. Tuy nhiên, nếu cùng với việc mời Nga mà Ukraine cũng là đối tượng được “mời” làm địa chỉ để triển khai một phần của NMD thì sự phản đối từ phía Nga ắt sẽ nổi lên.

 

Ukraine vốn có hai trạm radar chính, một đặt tại Crưm và một tại Mukachevo ở miền tây nước này. Từ tháng 2-2008 Nga đã thuê các cơ sở radar đó. Vậy nhưng gần đây, Mỹ đang xem xét chọn Ukraine là nơi có thể triển khai một trạm radar nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa mới của họ tại châu Âu. Và ý định này càng thể hiện rõ hơn khi Tổng Thư ký NATO Rasmussen đến thăm chính thức Ukraine vào hạ tuần tháng này. Đây là lần đầu tiên ông Rassmusen thăm Ukraine và cũng là lần đầu tiên người đứng đầu tổ chức quân sự lớn nhất thế giới tới thăm Kiev sau khi chính quyền mới tại Ukraine từ bỏ chủ trương gia nhập NATO.

 

Tuy nhiên, mối quan hệ Ukraine với NATO thời gian gần đây vẫn được duy trì ở khá nhiều hoạt động chung như chống cướp biển, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh thông tin Internet, tuần tra tại Địa Trung Hải, thực hiện sứ mạng gìn giữ hòa bình tại Afghanistan và Kosovo. Ukraina cũng tham gia Lực lượng phản ứng nhanh của NATO và chương trình “Đối tác vì hòa bình”. Thế nhưng, sự thân thiết ấy mà dẫn tới ý tưởng về việc sử dụng một trạm rada của Ukraine cho hệ thống NMD thì đúng như các nhà phân tích tại Nga từng nhận định: “quyết định triển khai một trạm radar ở Ukraine có thể sẽ giáng một đòn vào quan hệ giữa Moscow và Washington, cũng như NATO”.

 

Dường như thấy trước khả năng phản ứng có thể từ phía Nga, phát biểu trước khi tới Kiev, Tổng Thư ký NATO Rasmussen nhắc lại việc NATO đã thông qua quyết định thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu và mời Nga tham dự. Tuy nhiên, ông cũng lý giải cho chuyến viếng thăm Ukraine lần này là “do Ukraine quan tâm và muốn tham gia hệ thống này nên ông quyết định tới Kiev để tìm hiểu khả năng đóng góp của nước này cho “lá chắn tên lửa chung của châu Âu”.

 

Chưa biết kết quả thu được từ chuyến thăm này sẽ là gì, nhưng dư luận vẫn lo ngại về một khả năng gia tăng căng thẳng mới giữa Nga với Mỹ và NATO xung quanh vấn đề vốn vẫn rắc rối lâu nay là xây dựng Hệ thống phòng thủ chống tên lửa  của Mỹ và NATO tại châu Âu.

 

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên