NELSON MANDELA: Con người vĩ đại

Cập nhật: 28-06-2013 | 00:00:00

Ngày 8-6, nguyên Tổng thống Nelson Rolihlahla Mandela (1994-1999) 94 tuổi phải nhập viện khẩn cấp do bệnh viêm phổi tái phát. Cuối tuần trước, bệnh tình của ông trở nặng. Ngày 27-6, ông phải thở oxy. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố toàn thế giới cầu nguyện cho Nelson Mandela, một trong những con người vĩ đại nhất trong thế kỷ 20.

  Nelson Mandela, biểu tượng đấu tranh của dân tộc Nam Phi.

Từ ngục tù trên đảo Robben...

Trong kỷ nguyên hiện đại, chỉ có hai cá nhân thành công trong việc giải phóng người dân mà không phát động cách mạng vũ trang. Đó là Mahatma Gandhi ở Ấn Độ và Nelson Mandela ở Nam Phi. Cái chung của hai nhà lãnh đạo này là sẵn sàng chết vì mục tiêu của mình.

Tại Nam Phi, cái tên Nelson Mandela không chỉ đơn thuần là một con người tuyệt vời mà còn là hiện thân của tính cách đạo đức. Ông là người kiên quyết đấu tranh chống tình trạng bất bình đẳng. Ông là một vị thần mà không ai muốn xâm phạm.

Ngày 12-6-1964, chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi đã kết án tù chung thân đối với Nelson Mandela. Ngay đêm đó, máy bay quân sự đã áp giải ông từ nhà tù Pretoria đến khu B trong nhà tù trên đảo Robben cho dù khu B lúc đó vẫn đang xây dựng. Đây là khu nhà tù dành cho các phần tử chính trị đầu não. Ông bị nhốt trong xà lim nhỏ bé và riêng biệt bởi các quản giáo lo sợ ông gây ảnh hưởng đến các phạm nhân khác.

Tháng 1-1965, Nelson Mandela bị buộc phải làm việc tại mỏ đá vôi và đã bị tổn thương mắt do tiếp xúc với đá vôi. Ông đã chiến đấu suốt ba năm liền để phản đối quy định hà khắc của nhà tù không cho phạm nhân đeo kính bảo vệ khi làm việc. Sang năm sau, ông tham gia phong trào tuyệt thực trong nhà tù để yêu cầu nâng cao chất lượng thức ăn.

Nelson Mandela bị giam cầm nhưng tầm ảnh hưởng của ông không bị suy giảm, thậm chí ảnh hưởng này còn lan rộng hơn khi ông ngồi tù. Trong thời gian này, áp lực quốc tế chống chế độ phân biệt chủng tộc càng mạnh hơn. Nelson Mandela trở thành nguồn cảm hứng cho người dân Nam Phi đứng lên xóa bỏ chế độ bất công đang thống trị.

... Đến phong trào đấu tranh toàn thế giới

Tháng 3-1983, Nelson Mandela được chuyển đến nhà tù Pollsmoor. Vào năm này, chiến dịch mang tên Phóng thích Nelson Mandela bùng nổ tại Nam Phi và nhiều nước. Cũng trong năm 1983, một chiến dịch trừng phạt kinh tế chống lại chính quyền Nam Phi đã trở thành biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới.

Tháng 1-1985, dưới sức ép của quốc tế và tình hình bất ổn trong nước, Tổng thống Nam Phi P.W Botha tuyên bố phóng thích Nelson Mandela với điều kiện ông phải từ bỏ bạo lực và đấu tranh. Nelson Mandela kiên quyết từ chối. Sau đó, nhiều thành viên trong chính phủ đã tiếp xúc với ông để cố thuyết phục nhưng ông cũng thẳng thừng từ chối.

Năm 1988, chính phủ Nam Phi cấm tụ tập và bắt giữ các nhà hoạt động đứng ra tổ chức lễ mừng sinh nhật lần thứ 70 của Nelson Mandela. Một buổi hòa nhạc kéo dài 12 tiếng được tổ chức tại London (Anh) và được truyền hình đến 50 nước nhằm kêu gọi chính phủ Nam Phi trả tự do cho Nelson Mandela.

Tháng 8-1988, Nelson Mandela phải nhập viện để điều trị bệnh phổi, sau đó ông được chuyển đến nhà tù Victor Verster. Đến tháng 2-1990, Tổng thống Nam Phi F. W. De Klerk tuyên bố trả tự do cho Nelson Mandela.

Xây dựng xã hội đa sắc tộc

Nelson Mandela được bầu giữ chức chủ tịch Đại hội Dân tộc Phi trong hội nghị đảng vào tháng 7-1991. Với nỗ lực kết thúc bạo lực chính trị, ông đã gửi tối hậu thư cho chính phủ yêu cầu sa thải bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Luật pháp và Trật tự. Ông khẳng định Đại hội Dân tộc Phi do ông lãnh đạo sẽ không đàm phán nếu yêu cầu này không được đáp ứng.

Tháng 9-1991, ông ký hiệp ước hòa bình quốc gia chấm dứt bạo lực chính trị. Hai năm sau, ông lại gây tranh cãi chính trị khi đề nghị cho trẻ em 14 tuổi được quyền bầu cử. Sau đó, ông chấp nhận tuổi bầu cử là trên 18 tuổi. Tháng 9-1993, ông sang Mỹ và hối thúc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế và đầu tư đối với Nam Phi.

Tháng 5-1994, Nelson Mandela chính thức được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên ở Nam Phi. Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông kêu gọi xây dựng một đất nước Nam Phi gắn kết và cam kết chống lại bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào, xây dựng một xã hội đa sắc tộc, bảo đảm bình đẳng giữa người da trắng và da đen, xây dựng một quốc gia hòa bình với thế giới.

Biểu tượng cho hòa bình

Đối với người dân Nam Phi và thế giới, Nelson Mandela là nhà lãnh đạo thành công nhất trong công cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Cuối cùng cuộc chiến của ông và người dân Nam Phi cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế đã làm sụp đổ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Trong nhiều thập niên, chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã áp dụng các đạo luật từ chối các quyền công dân cơ bản của người da đen. Năm 1986, mỗi người dân da đen tại Nam Phi bước sang tuổi 16 khi ra đường đều phải mang theo chứng minh thư riêng và phải xuất trình giấy bất cứ nơi nào người da trắng yêu cầu.

Trong suốt 67 năm đấu tranh cho tự do, chính nghĩa và phục vụ nhân loại, thành công lớn nhất trong đời Nelson Mandela là xóa bỏ được đạo luật này.

Một trong những thành tựu vĩ đại nhất của ông là xây dựng tinh thần đoàn kết tại một đất nước bị chia rẽ sâu sắc. Hơn 20 năm từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc ở Nam Phi, dù phần lớn cấu trúc quyền lực kinh tế vẫn nằm trong tay người da trắng nhưng Nam Phi đã thay đổi đáng kể. Hiện đã có rất nhiều tỉ phú người da đen tại Nam Phi. Đây là dấu hiệu của sự tiến bộ dưới thời Tổng thống Nelson Mandela.

Năm 1999, sau khi rời chính trường, ông tiếp tục đóng vai trò quan trọng làm trung gian hòa giải cho các xung đột trên thế giới. Ông cũng dành thời gian gây quỹ từ thiện mang tên Nelson Mandela.

Trong suốt cuộc đời, ông đã nhận được 695 giải thưởng. Ông là tổng thống da đen đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1993. Ông cũng là người đầu tiên được LHQ chọn ngày sinh làm ngày Quốc tế Nelson Mandela 18-7. Ông vĩ đại không chỉ vì hành trình xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc mà ông đã góp phần xây dựng nền dân chủ vững chắc tại Nam Phi. Với những thành tựu vĩ đại ấy, dấu ấn của ông sẽ khó bị xóa nhòa trong lịch sử.

Từ thế kỷ 16 về trước, trên lãnh thổ Nam Phi chỉ có người Phi thuộc các bộ lạc sinh sống. Đến thế kỷ 17 và 18, người Hà Lan và người Anh đến đây xâm chiếm. Sau chiến tranh ba năm (1899-1902), người Boer (gốc Hà Lan) buộc phải chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Anh.

Ngày 31-5-1910, Anh thành lập liên bang Nam Phi tự trị. Năm 1948, đảng Quốc gia của người da trắng lên nắm quyền ở Nam Phi, ban hành chính sách phân biệt chủng tộc (apartheid) và đàn áp người bản xứ. Ngày 31-5-1961, chính quyền Nam Phi rút khỏi khối Liên hiệp Anh và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nam Phi độc lập.

Từ thập niên 1980, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phát triển mạnh mẽ. Sau khi Chủ tịch đảng Quốc gia De Clerk làm tổng thống, đảng Quốc gia đã điều chỉnh chính sách theo hướng cải cách dân chủ, thả tù chính trị, công nhận các chính đảng đối lập.

Tháng 4-1994, lần đầu tiên trong lịch sử, Nam Phi đã tiến hành tổng tuyển cử đa sắc tộc. Đại hội Dân tộc Phi (ANC) giành thắng lợi lớn. Chủ tịch ANC Nelson Mandela được bầu làm tổng thống. Ông nhậm chức ngày 10-5-1994.

Theo Pháp Luật

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=481
Quay lên trên