Nên cơ nghiệp từ cây lúa, con trâu!

Cập nhật: 24-08-2013 | 00:00:00

Gần 30 năm trước, rời bỏ chốn sầm uất nơi phố chợ với hai bàn tay trắng sau khi vỡ hụi, vợ chồng ông Hà Văn Luông (54 tuổi) và bà Lê Thị Tuyết Hoa (53 tuổi) đã ra bờ bao đê sông Thị Tính (thuộc khu vực ấp Phú Thứ, xã Phú An, Bến Cát) để trồng lúa ven sông. Từ cây lúa ông bà cố gắng tích góp rồi mua thêm đất, kết hợp nuôi cá, heo, vịt, trâu… và giờ gia đình ông đã trở thành một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả tại địa phương.  

Ông Luông bên lứa vịt mới

Tay trắng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có điều kiện tại xã Phú An, cuộc sống của ông Luông và bà Hoa từ nhỏ đến lớn trôi đi nhẹ nhàng mà không phải suy nghĩ nhiều đến cơm áo gạo tiền. Năm 1976, ông bà kết hôn, được hai bên gia đình hỗ trợ mua căn nhà cũ tại chợ Phú Thứ và mở cửa hàng bánh cuốn. Mọi thứ có lẽ sẽ cứ thế, lặng lẽ và bình yên trôi đi với gia đình ông bà cùng việc buôn bán nhỏ nếu họ không rơi vào biến cố cùng nhiều người tại khu vực chợ Phú Thứ vào năm 1986. Vỡ hụi Tố Như - cái hụi mà ông bà đã chơi khá lâu, cùng khá nhiều tiền được đổ vào đó. Ước mong rút tiền hụi để cất nhà lớn đã tan tành. Thay vào đó là ông bà phải bán nhà trả nợ và trắng tay. Nghĩ lại những ngày khó khăn đó bà Hoa nói: “Cũng vì chơi hụi mà vợ chồng tôi từ ăn cơm trắng mà xuống tới việc ăn cơm độn rồi đến không có cơm để ăn luôn. Lúc đó tôi chuẩn bị sinh đứa thứ ba mới khổ. Nợ nần rồi đủ thứ úp xuống đầu chúng tôi. Gia đình ông ấy thì đổ cho tôi ham chơi, gia đình tôi thì đổ cho ông ấy là phá tán không biết đường làm ăn… Hai vợ chồng nhìn nhau, nhìn con cái mà nghẹn lòng lại”.  

Ông Luông trong ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi của mình

Ông Luông tiếp lời vợ: “Đã thế, có cái xe đạp trong nhà cũng bị trộm cạy cửa vào lấy mất. Nghèo đói, cùng cực cứ bám lấy chúng tôi những tháng ngày đó. Vợ sinh con mà không có đồng nào. Khổ lắm, nhưng chúng tôi biết kêu ai? Thời gian đầu còn đi tìm chủ hụi, mong gỡ gạc lại chút đỉnh nhưng rồi càng đi tìm lại càng hao mòn tiền của gia đình hơn. Gần 3 năm trời, tìm chủ hụi chẳng được gì mà lại làm cho mình cùng kiệt. Thôi thì, mọi chuyện đã rồi. Nghĩ cũng chán lắm nhưng còn vợ, còn con đang nheo nhóc ở đó, không tìm cách làm ăn cũng không được”.

Trăn trở nhiều ngày, ông bà quyết định bán nhà trả nợ. Hai vợ chồng dắt con lang thang nhiều nơi rồi cuối cùng ra bờ sông Thị Tính cất tạm cái chòi tranh để che nắng che mưa, đi làm thuê làm mướn để sống qua ngày. Nhớ lại ngày mới ra bờ sông sống, bà Hoa chia sẻ: “Khi đó, nơi đây heo hút đến lạnh người. Một bên là sông, một bên là đồng ruộng. Mọi thứ với vợ chồng tôi lúc đó đều xa lạ và tạm bợ. Mỗi ngày tôi đều ra đầu chòi ngồi ngóng, mong một bóng người đi qua để nói chuyện, để hỏi han…cho đỡ nhớ cái cảm giác giao tiếp giữa người với người mà cũng khó khăn”. Thời gian đầu, bà ở nhà trông mấy đứa nhỏ, sau đó bà nhặt nhạnh mớ rau, con tép ven sông rồi mang vào ấp bán lấy tiền mua gạo. Ông Luông thì đi làm hồ, đi chăn trâu mướn cho những gia đình có điều kiện. Cứ thế làm ăn, tích góp hai ông bà cũng đã có tiền mua được mấy sào ruộng gần nhà để trồng lúa. Cũng may mắn từ đây, cuộc sống ông bà đã bớt khó khăn phần nào và một chặng đường mới với công việc mới đã mở ra với họ.

Khởi sắc từ cây lúa

Đầu năm 1990, có được 3 sào ruộng trong tay, ông bà hăm hở lao vào cày cấy để mong có hạt gạo trắng cho con ăn. Có cố thì mới có kết quả, mới mong có ngày thoát nghèo, thoát khỏi cái cảnh túng thiếu. Ngoài việc cùng vợ con làm ruộng, ông Luông còn tranh thủ tiếp tục công việc chăn trâu thuê như ngày nào, tối đến thì thả lưới ven sông để kiếm thêm thu nhập. Cứ thế, cuộc sống ông bà và 3 người con từ đủ ăn dần vươn lên có tích lũy. Bà Hoa rạng rỡ nói: “Thật may, từ ngày làm lúa chúng tôi gặp nhiều thuận lợi. Vụ nào cũng thu hoạch kha khá. Mỗi vụ lúa, chúng tôi bán hơn phân nửa để lo tiền ăn học và chuẩn bị cho vụ tiếp, phần còn lại thì để dành lấy gạo ăn. Tích góp sau mỗi mùa lúa, vợ chồng tôi đã mua được cặp heo nái để gây giống”. Từ cặp heo ban đầu, ông bà đã có nguồn thu nhất định và cũng định hướng rõ hơn về việc làm ăn cho cả gia đình sau này là cần bám vào đồng ruộng và chăn nuôi để thoát nghèo. “Từ 3 sào ruộng ban đầu, nhờ cố gắng lao động và tích lũy mà sau 5 năm, chúng tôi đã mua được 1 ha ruộng để làm lúa, trong chuồng lúc nào cũng mấy chục con heo. Cứ thế, đến nay gia đình đã có hơn 3 ha đất trồng lúa cho thu hoạch từ 4 - 5 tấn/ha. Không còn những ngày thèm hạt cơm, trốn chủ nợ như trước nữa”, ông Luông chia sẻ.

Từ hiệu quả kinh tế ban đầu, ông bà tiếp tục phát triển việc trồng trọt và chăn nuôi theo hướng đa dạng, mở rộng quy mô và luôn bảo đảm tận dụng những gì có sẵn của tự nhiên. Ông bà mua trâu về nuôi. Mới đầu, trâu dùng làm sức kéo cày đồng ruộng rồi thành nguồn thu cùng với nuôi heo để kinh tế gia đình khá giả hơn. Dù bây giờ, việc kéo cày đã có máy móc nhưng ông bà vẫn giữ lại 9 con trâu để làm khi cần, đôi lúc để nhớ về những ngày khó khăn mà cố gắng lao động và có khi để dùng chúng giáo dục cho con cái trong việc làm ăn.

Tiếp tục phát triển kinh tế, ông Luông mạnh dạn thuê người về đào ao thả cá, nuôi vịt. Mỗi vụ cá ông bà cũng thu lời từ 20 triệu đồng. Vịt thì cứ 2 tháng xuất một lần trung bình gần 400 con. Ngẫm lại cuộc sống của gia đình sau gần 30 năm qua bà Hoa nói: “Chỉ có cố gắng lao động thì mới khá giả được. Giờ đây, gia đình tôi sống thoải mái lắm. Con cái thì đã lớn, đứa lập gia đình, đứa thì ăn học tới nơi tới chốn và cũng có công việc ổn định. Tôi nhận thấy, cách làm ăn này không khó, ở đâu có đồng ruộng, có ao hồ, sông suối là đều phát triển được. Quan trọng là cần cù, chăm chỉ và cố gắng”.

• C.THANH - H.YẾN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên