Gia đình là tế bào của xã hội, là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu thương và vun đắp cho sự trưởng thành của con người. Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) chính là xây dựng nền tảng cho một xã hội ổn định và phát triển bền vững...
Cha mẹ cùng con cái tham gia vào những hoạt động xã hội là một trong những cách giáo dục con cái thực chất nhất
Trong những năm qua, phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện đến tận các hộ gia đình. Đây được xem là một trong những phong trào có ý nghĩa thiết thực của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, năm qua, phong trào xây dựng GĐVH tiếp tục phát triển về chiều rộng và bề sâu. Năm 2010, toàn tỉnh có 195.234/203.030 hộ gia đình tham gia đăng ký danh hiệu GĐVH (đạt 96,16%). Kết quả bình xét cuối năm có 186.329 hộ được công nhận đạt danh hiệu GĐVH (đạt 91,46%). Để đạt được kết quả trên là do công tác tuyên truyền, vận động các gia đình tham gia xây dựng GĐVH, cũng như việc tổ chức bình bầu GĐVH được thực hiện công khai, dân chủ từ các khu dân cư. Nhờ đó, chất lượng GĐVH ở các địa phương đã được nâng lên. Những gia đình cũng thấy vinh dự hơn khi đạt danh hiệu GĐVH, từ đó càng cố gắng hơn trong tham gia xây dựng phong trào cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình mình. Gia đình anh Nguyễn Phước Dương - chị Nguyễn Thị Thu Sang ở xã Long Hòa (Dầu Tiếng) là một điển hình trong phong trào xây dựng GĐVH ở địa phương. Anh Dương từng chia sẻ: “Những ngày đầu mới tạo lập cuộc sống, hai vợ chồng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, song may mắn là cả hai đều nhận được sự giáo dục, truyền đạt kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ và sớm sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội LHPN nên được Đoàn, hội hướng dẫn và giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, làm cơ sở quan trọng để vợ chồng tôi tự tin xây dựng một gia đình mới... Đối với xã hội, gia đình tôi sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, giữ gìn đoàn kết xóm ấp và tích cực tham gia vào các phong trào do địa phương phát động. Liên tục nhiều năm qua, gia đình tôi luôn được công nhận là GĐVH”.
Tham gia xây dựng GĐVH đã thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của các thành viên trong mỗi gia đình. Ý thức của mỗi người, mỗi gia đình trong việc thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng được nâng cao hơn. Trong một hội nghị về xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Trần Thị Lệ Hằng, một GĐVH nhiều năm liền ở xã Tân Thành (Tân Uyên) chia sẻ: “Chúng tôi luôn hướng con cái cùng tham gia vào các hoạt động gia đình, làng xóm và xã hội nhằm tạo cho con tính tự lực, tự cường, lớn lên vững vàng trong xã hội. Chúng tôi luôn quan niệm, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Xây dựng gia đình no ấm, mạnh khỏe, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc thì sẽ góp phần đem lại sự phồn vinh cho địa phương và cho đất nước... phong trào xây dựng GĐVH, hạnh phúc nhắc nhở mọi người, mọi nhà phải luôn soi rọi lại cách sống và mối quan hệ đối với xã hội, đất nước của mình nhằm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh một cách vững chắc trên nền tảng văn hóa của dân tộc, mà trong đó mỗi gia đình là một nhân tố góp phần xây dựng đất nước...”.
Tại ngày hội GĐVH, thể thao tiêu biểu toàn tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Xuân Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói rằng, gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, nương tựa của mỗi con người trong suốt cuộc đời; là nơi lưu giữ, truyền thụ, chuyển giao và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Vì vậy, việc giữ gìn, phát huy những giá trị cao quý vốn có của gia đình, ngăn chặn sự tấn công của tệ nạn xã hội và những nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình là một yêu cầu quan trọng đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Ông cho biết: “Xuất phát từ ý nghĩa, gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến gia đình. Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội... Những hộ GĐVH, những tấm gương ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền đã được công nhận trong thời gian qua là những nhân tố tích cực, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh ngày càng bền vững”.
Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội chính là gia đình”. Bởi thế, việc xây dựng GĐVH phải luôn được xem trọng và thực hiện trong mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, có như thế thì xã hội mới thực sự phát triển bền vững.
CẨM LÝ