Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, quá trình này diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó vai trò của người dân là một trong những yếu tố quyết định. Bởi, CĐS chỉ có thể thành công nếu lấy người dân làm trung tâm và huy động được sự tham gia, hưởng ứng của tất cả mọi người vào quá trình ấy.
Anh Nguyễn Quốc Toàn (Đội phản ứng nhanh về CCHC phường Hiệp An) hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC trực tuyến trên điện thoại thông minh
“Bắc cầu”sang công dân số
Từ hơn nửa năm nay, ngoài công việc thường nhật ở cơ quan, anh Nguyễn Quốc Toàn, công chức Văn phòng - Thống kê phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một còn có thêm nhiệm vụ mới trong Đội phản ứng nhanh về cải cách hành chính (CCHC) của phường. Công việc mới biến anh Toàn thành một “hiệp sĩ công nghệ” bởi hàng ngày anh và các thành viên trong đội luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của người dân về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên không gian mạng. Từ cách tạo tài khoản dịch vụ công đến cách thức khai thác, sử dụng các phần mềm một cửa điện tử, phần mềm hộ tịch, phần mềm chứng thực điện tử..., đều được các thành viên tận tình hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp (DN). “Nhiều thao tác tưởng đơn giản nhưng không ít người dân vẫn khá lúng túng khi thực hiện quy trình trên không gian mạng. Do vậy, chúng tôi vừa giải thích vừa trực tiếp làm mẫu nhiều lần để người dân nhận biết cách thức thao tác trên các nền tảng số...”, anh Toàn chia sẻ.
Ngoài việc hướng dẫn, giải đáp và xử lý những khó khăn, vướng mắc của người dân liên quan đến CCHC qua số điện thoại đường dây nóng, vào mỗi tối thứ bảy các thành viên trong Đội phản ứng nhanh của phường còn tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS đến các hộ gia đình, người dân. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về CĐS cũng như những lợi ích to lớn của quá trình này mang lại.
Để người dân trong phường tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thời gian qua phường Hiệp An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền kết hợp hướng dẫn, hỗ trợ các thao tác. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngữ, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp An, cho biết với phương châm “Đồng hành cùng người dân” trong quá trình thực hiện DVCTT và mục tiêu phấn đấu “Mỗi người dân đều được tiếp cận và mỗi hộ gia đình sẽ có một tài khoản dịch vụ công”, UBND phường đã triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp, mô hình phù hợp với từng đối tượng người dân, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4. “Ngoài việc thành lập Đội phản ứng nhanh về CCHC, phường còn triển khai mô hình Ngày thứ bảy thân thiện - hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công và hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại nhà và tại văn phòng khu phố; mô hình “Kết nối toàn dân - Thông tin chia sẻ” cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc cho người dân về DVCTT mức độ 3, mức độ 4...”, bà Ngữ chia sẻ.
Đoàn viên thanh niên tham gia đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân chuyển đổi số tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Nền tảng của CĐS
CĐS không đơn giản chỉ là vấn đề công nghệ mà đó là quá trình thay đổi của nhận thức, thói quen, quy trình và phương pháp làm việc của người dân. Việc xây dựng những công dân số chính là nền tảng mang tính quyết định của quá trình CĐS.
Với lợi thế về sự nhanh nhạy công nghệ, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, thời gian qua, lực lượng đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã phát huy vai trò xung kích trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS. Chị Trần Thị Diễm Trinh, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết thời gian qua các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm phát huy vai trò tiên phong của đoàn viên thanh niên với công tác CĐS, như triển khai hơn 100 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ người dân, DN thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Trong đó, 1 đội hình hỗ trợ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, 9 đội hình tình nguyện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện và 91 đội hình tình nguyện tại bộ phận một cửa cấp xã. Kết quả, số lượt hỗ trợ, hướng dẫn người dân, DN thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của tình nguyện viên tại Trung tâm Hành chính công tỉnh là trên 15.000 lượt, chủ yếu hướng dẫn về tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Dịch vụ công tỉnh; hướng dẫn scan hồ sơ; nộp hồ sơ trực tuyến...
Trong nhiều cuộc họp liên quan đến CĐS, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, luôn nhấn mạnh rằng CĐS không chỉ là xây dựng các nền tảng số, hạ tầng công nghệ thông tin mà đi đôi với đó cần xây dựng công dân số, thúc đẩy người dân sử dụng các thành tựu CĐS cũng như khả năng giao tiếp số cho người dân, DN...
Rõ ràng thực hiện CĐS là một quá trình lâu dài đòi hỏi nhiều yếu tố, từ chủ trương, chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin, quyết tâm chính trị của địa phương, đơn vị... Trong đó, việc thay đổi thói quen giúp tăng khả năng tương tác trên không gian mạng cho người dân là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thành công. Khi người dân thực sự trở thành những công dân số, tham gia tích cực vào CĐS, sẽ tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thành công các trụ cột của CĐS: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
TRÍ DŨNG