Từ một tỉnh thuần nông, đến nay Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một địa phương phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao, trở thành hình mẫu trong công cuộc đổi mới của cả nước. Với những thành tựu đã đạt được, cùng với chiến lược đột phá và khát vọng vươn xa, Bình Dương đang phát triển lên tầm cao mới.
Ngọn lửa sáng tạo, đổi mới
Thời gian qua, đặc biệt từ cuối tháng 4-2022, sau khi tổ chức hội thảo “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, Bình Dương đã bắt tay ngay vào những hành động cụ thể. Đầu tiên là khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh TP.Hồ Chí Minh đến TP.Thủ Dầu Một (dài khoảng 12,7km từ 6 làn xe lên 8 làn xe). Tiếp theo đó là một loạt các quyết sách đột phá “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Đặc biệt, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông kết nối liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, để phát triển bền vững hơn, Bình Dương cần chủ động phối hợp, sớm xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng. Trong đó, các công trình cơ sở hạ tầng cần ưu tiên hoàn thành trong thời gian sớm nhất: Đường Vành đai 3 và 4; cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; các dự án đường bộ, đường sắt kết nối TP.Thủ Dầu Một và trung tâm TP.Hồ Chí Minh…
Các khu công nghiệp của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp VSIP II
Chính những khát vọng đổi mới, không ngừng sáng tạo từ phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện đã cho Bình Dương những kết quả vượt trội trên nhiều lĩnh vực. Trên bình diện cả nước, Bình Dương hiện đang đứng thứ hai trong thu hút FDI, thu nội địa đứng thứ ba, là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về đóng góp và tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương, tỷ lệ xuất siêu cao nhất, là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất; đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số PAPI, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả, môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm cải thiện, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên... thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực phát triển mới.
Tranh thủ cơ hội để bứt phá
Tại cuộc tọa đàm mới đây về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng nếu Hàn Quốc có kỳ tích sông Hàn thì Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế và công nghiệp hóa. Điều này được minh chứng qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với thời điểm mới chia tách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. GRDP bình quân đầu người hiện nay đạt gần 7.000 đô la Mỹ/người/ năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 104 lần sau 25 năm.
PGS TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định dường như cho đến nay, vẫn chưa có địa phương nào làm quyết liệt và triệt để như Bình Dương, nhằm mục tiêu khó thực hiện bậc nhất là đoạn tuyệt với “lợi ích xin - cho”, hướng tới tự chủ nhiều hơn trong điều hành và quản lý quá trình chuyển đổi, nhằm tăng tính tự chịu trách nhiệm và chủ động đổi mới - sáng tạo. Bình Dương đã tạo được đột phá chiến lược, thực hiện bứt phá thành công và xác lập “kỳtích phát triển”: Duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, nhảy vọt “đẳng cấp” phát triển, vươn lên mức GRDP/ người thuộc nhóm cao nhất nước.
Cho ngày nay, cho ngày mai
Đánh giá về sự phát triển của Bình Dương trong 25 năm qua, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, khẳng định mô hình phát triển của Bình Dương trong tiến trình đổi mới của đất nước chính là mô hình độc đáo, hội đủ cách tiếp cận: “Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương”. Với cách làm sáng tạo, triệt đểtận dụng “lợi thếđi sau”, Bình Dương đã chọn con đường “phát triển thông minh”, không ngừng tìm kiếm những cách làm mới để vươn lên, vượt lên vàđạt được những kết quảnổi bật.
Từ những kết quả đạt được, Bình Dương tiếp tục không ngừng cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để có những kết quả cao hơn, mới hơn, tiếp tục đóng góp cho Trung ương nhiều hơn nữa. Trong đó, cần khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhận lấy trách nhiệm tiên phong, đi đầu trong phát triển thời gian tới. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Với nội lực, tầm nhìn chiến lược và khát vọng đã được hun đúc, Bình Dương sẽ phải tiếp tục bổ sung, hiện thực khát vọng của bao thế hệ lãnh đạo, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong triết lý văn hóa phát triển của mình. Một triết lý mà xuyên suốt trong đó nhân dân luôn là trung tâm của sự phát triển”.
Ông Võ Văn Minh khẳng định, những thành quả mà lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã xây dựng trong 1/4 thế kỷ qua là nền tảng, là niềm tin và hy vọng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Thời cơ và thách thức mới đòi hỏi tiếp tục có sự quyết tâm, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vượt lên mọi khó khăn, kiên trì với những mục tiêu chiến lược đã đặt ra, Bình Dương sẽ tiếp tục vươn tới những tầm cao mới. Bình Dương đang nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
NGỌC THANH