Kỳ 1: Đám tang: Nên bỏ những hủ tục mê tín!
Kỳ 2: Đám cưới: Không phải… rườm rà mới ấn tượng!
Với quan niệm “đời người chỉ có một lần” nên nhiều gia đình… méo mặt bởi lo đám cưới cho con. Có đôi cũng muốn bằng bạn bằng bè để rồi sau cưới è lưng trả nợ. Tiệc cưới nên chân thành, đơn giản mà vẫn tạo ấn tượng đẹp cho khách mời vẫn được nhiều người khuyến khích hơn…
“Sợ” thiệp cưới và sợ đám cưới sang!
Dư luận từng lên án khá gay gắt những đám cưới “khủng” với đoàn rước dâu siêu xe, dàn nhạc toàn siêu ca sĩ! Hóa ra, đám cưới cho con hoành tráng thế nhưng công việc kinh doanh lại bết bát, có khi… siêu nợ! Hẳn nhiên ai cũng cười chê những đám cưới quá tốn kém vô lý như thế khi mà xung quanh mình, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Tiết mục múa được nhà hàng khuyến mại để chúc mừng đám cưới
Tất nhiên, tùy tình hình mỗi gia chủ để tổ chức đám cưới cho phù hợp nhưng “sang” quá đôi khi làm khách mời ngại. Thảo, một công nhân điện tử ở KCN VSIP 2 (thành phố mới Bình Dương) mới đây “buồn bã” cho biết, có tháng cô “bỗng dưng mắc nợ” vì nhận đến 10cái thiệp mời đám cưới. Thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. 10 đám cưới phải bỏ phong bì từ 200.000 - 300.000 đồng/đám tùy bạn thân, sơ. Đó là chưa kể “trang bị” thêm quần áo, giày vớ chứ không lẽ cứ một vài bộ mặc đi ăn cưới hoài. Thế là đành mượn tạm bạn đểđóng tiền phòng trọ, tiền ăn với hy vọng “tháng sau ít đám cưới hơn, bù lại!”.
Việc cưới hỏi nên tùy theo gia cảnh và số lượng khách mời để tổ chức. Tuy nhiên, dù với hoàn cảnh nào cũng nên gọn nhẹ để không phải quá lo lắng những điều không nên.
Có người mời quá nhiều khách sau đó phải mất công “đem về nhà đến mấy bàn vì khách dự không đủ”. Như thế là một lãng phí… Đem chuyện này hỏi, nhiều bạn trẻ tự lập, cógia đình không khá giả đều cho rằng, họ “sợ” đám cưới bạn quá sang để rồi mình… theo không kịp hoặc “khó nghĩ” chuyện bỏ phong bì bao nhiêu là vừa.
Có bạn cho rằng: “Các bạn trẻ đừng đặt nặng vấn đề “đời người chỉ có một lần” để rồi tự làm khổ mình. Nếu có điều kiện thì không nói gì nhưng có nhiều bạn rất khó khăn vẫn ráng làm cho bằng bạn bằng bè. Thế nên, sau đám cưới, vợ chồng lục đục vì nợ nần. Điều này làm cho… mở đầu của cuộc hôn nhân đã không vui.”.
Nên giản dị, vui tươi
“Khi bạn tổ chức đám cưới,các dịch vụ sẽ… đẻ ra đủ thứ và nâng giá tiền trọn gói lên đến chóng mặt. Nào là chụp ảnh, làm album, thuê áo cưới, in thiệp, thuê nhà hàng, chọn món và đặt tiệc rồi thức uống… Tốt hơn hết bạn nên tính toán chi li và tiết kiệm được chừng nào hay chừng ấy bởi có những thứ thật sự là tốn kém vô duyên”. Đó là lời tâm sự của Mai, một nhân viên văn phòng, nhà ở phường Chánh Nghĩa, TP.TDM vừa lên xe hoa được 2 tuần chia sẻ với bạn bè.
Gia đình có điều kiện, nhà trai khá giả và muốn cô dâu được nở mặt nở mày nhưng Mai đã từ chối những dịch vụ theo cô không cần thiết. Bởi, như Mai nói: “Bạn bè mình đa số làm công nhân, làm nhẹ nhàng thôi chứ sang trọng quá họ sẽ ngại ngần khi đi ăn cưới”. Thay vì chụp ảnh ngoại cảnh ở Ninh Thuận, Vũng Tàu… Mai chọn thành phố mới và làng nhà mẫu EcoLake, Mỹ Phước, Bến Cát để chụp hình, làm album hình cưới. Thay vì thuê địa điểm vớigiá 350.000 đồng/bàn (chỉ là nơi để tổ chức lễ cưới và bàn ghế), Mai thuê rạp về dựng ngay ở con đường trước nhà. Bạn bè, người thân hai bên mời gói gọn trong hơn chục bàn. Tiệc cưới thuê nấu theo thực đơn gia đình thống nhất và chọn. Điều vui vẻ và ấn tượng là làm đám cưới tại nhà nên Mai có được “một đêm tụ tập hát hò cùng bạn bè như đám cưới ở quê. Nhạc mở không quá lớn nên… hàng xóm cũng thông cảm. Bà con xa gần đến ăn cưới lại có dịp để biết nhà mình, ở lại chuyện trò cùng ba mẹ vài ngày…”, cô cười cho biết sau một đám cưới ấm cúng ở nhà, không đi nhà hàng đãi như đa số đám cưới ở thành phố hiện nay…
Một người bạn khác được mời dự một đám cưới con người bà con kể rằng, cả nhà gái, nhà trai đều có người thân (chú, bác, ông bà nội, ngoại) là Việt kiều. Ban đầu, gia đình 2 bên tính làm đám cưới con mình thật… hoành tráng để “lấy điểm” với người thân từ Mỹ, Úc về.
Nhưng chính những vị khách mời thân thiết ấy tư vấn cho hai gia đình một đám cưới nhẹ nhàng, trang trọng và không kém phần ấn tượng. Khách mời hai bên khoảng 35 bàn. Trong tiệc cưới duy nhất một tiết mục múa chúc mừng của nhà hàng (khuyến mại!) còn lại chương trình văn nghệ là cây nhà lá vườn. Bà con hai bên lên hát tặng cô dâu chú rể rất vui vẻ. Số tiền tiết kiệm được so với một đám cưới phô trương, màu mè và quà tặng của người thân đủ cho đôi vợ chồng trẻ một chuyến du lịch thú vị…
Nhiều bạn trẻ khó khăn hơn có thể cần đến những đám cưới tiết kiệm, đám cưới tập thể. Chi phí thấp nhưng chắc chắn ngày vui cũng trọn vẹn. Cuối cùng, không khí vui tươi, hài hòa giữa họ nhà trai, nhà gái, khách mời là điều đáng nghĩ tới nhất chứ không nên biến ngày vui thành “ngày tính toán lời lỗ” hay phải băn khoăn, mất thời gian quá nhiều cho một tiệc cưới… mấy tiếng đồng hồ!
Một số địa phương có quy định khách mời dự tiệc cưới không quá 300 người, nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc. Không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp... Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cướ i. Điều này đã khiến dư luận phản ứng đa chiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo đa số người dân và với tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, việc tổ chức lễ cưới vẫn nên tiết kiệm, nên “liệu cơm gắp mắm” bởi cuộc sống hôn nhân sau đám cưới mới là quan trọng…
QUỲNH NHƯ