Không thù lao, không lương bổng nhưng sự say mê hát chèo đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở làng An Phú (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Không mặn mà nhan sắc, không ánh mắt dao cau, cũng chẳng có đôi tay thon nhỏ nuột nà móng hồng móng đỏ..., những nông dân mê hát chèo của làng đến với sân khấu chèo bằng những cái tên mộc mạc, đôi tay chai sần và làn da nâu cùng những bộ trang phục cũ xin được của Đoàn chèo Thái Bình.
Một sân khấu cho 800 người
Làng An Phú vừa xây dựng xong một sân khấu chèo ngay khuôn viên đình làng. Một sân khấu tiêu chuẩn cao 1,2m, dài 12m, rộng 8m mới được các đoàn viên chi đoàn, “diễn viên” trong đội chèo đi nhặt gạch vỡ, đá vụn và đất bỏ đi của các công trình xây dựng mà tạo thành. Những cây cột đã được dựng lên và chỉ còn chờ lớp bêtông đổ mặt sân khấu khô là đội chèo có thể biểu diễn được.
NSƯT Xuân Lựu (bìa phải) hướng dẫn hai diễn viên Thao và Rĩu
“Kép” Chu Thiên, đưa bàn tay còn dính đầy vôi vữa vuốt mái tóc khô còng, nở nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy sản phẩm được mong đợi trong bao nhiêu năm qua của 800 người dân làng An Phú đã trở thành hiện thực. Một sân khấu chèo đúng nghĩa để những người quanh năm vất vả ngoài đồng ruộng có thể cất lên tiếng hát của mình sau những lúc mệt nhọc.Chu Thiên, 37 tuổi, chính thức vào đội chèo từ năm 2003 khi đội chèo được tái thành lập. Anh là một trong những kép chính cùng với khoảng 30 nông dân khác trong đội chèo làng. Hằng ngày ngoài việc làm đồng, Thiên còn đi làm thợ xây. Từ sáng sớm đã rời nhà đi trộn vữa, đổ bêtông nhưng từ 8g tối Thiên cùng các anh chị trong đội chèo tập hợp tại đình để học hát, múa và diễn chèo.
Có mặt trong buổi đổ nền sân khấu, chị Thao - bí thư chi đoàn của thôn - tay năm tay mười trộn vữa, xúc cát mà nụ cười vẫn tươi roi rói trên gương mặt rịn mồ hôi. Chị Thao cho biết chị biết hát chèo từ nhỏ “vì ngày nào mẹ chả hát chèo”, ra đường có người hát chèo. Những đứa trẻ lớn lên trong những câu chèo cổ của bà của mẹ nên chèo ngấm vào máu từ lúc lọt lòng. Tuy thế, trước đây vì bận học, bận công tác xã hội nên chị chỉ “sống” với chèo trong những buổi biểu diễn qua những bài hát ngắn.
Lấy chồng, sinh con, rồi được chồng vận động, hàng xóm khuyến khích, năm 2008 Thao quyết định tham gia vào chiếu chèo làng khi đã bước sang tuổi 33. Các vai diễn của chị thường là công chúa, tiểu thư khuê các...
Đoàn chèo An Phú kéo gò lưng tôm
Làng An Phú không phải đến giờ mới có đội chèo, người già nhất bảo lớn lên đã thấy bố theo gánh chèo rồi. Thời thịnh nhất của chèo trong làng có đến bốn đội văn nghệ, ba đội chèo và một đội tuồng thường xuyên biểu diễn tại làng và cổ vũ cho các công trình quốc gia như Bắc Hưng Hải, công trình Cống Lân, phong trào năm tấn...
Ngoài ra đội chèo còn đi diễn tại nhiều huyện khác trong tỉnh và bán vé. Gánh chèo thường dùng xe bò để chở đạo cụ, đuốc, đèn măngsông. Các diễn viên người kéo, người đẩy xe bò đi biểu diễn nên mới đặt ra câu hát: Ai sinh ra cái xe bò/Đoàn chèo An Phú kéo gò lưng tôm.
Những năm chiến tranh, đàn ông ra trận hết, thế là mất cả “kép” lẫn “công”, những nữ diễn viên ở lại toàn hát chay, đánh đàn... mồm. Dần dần đội chèo giải tán vì thiếu thốn nhiều quá, cả kinh phí và lực lượng. Phải đến năm 2003, trước nhu cầu của những người dân về một gánh chèo làng, những cựu diễn viên của gánh chèo cũ đã xắn tay vào thành lập đội chèo mới trên cơ sở mời diễn viên cũ và chiêu mộ diễn viên mới. Được sự đồng thuận của nhiều người nên đội chèo ra đời với quy mô không khác gì một nhà hát với đầy đủ lệ bộ: đội trưởng, diễn viên, nhạc công, đạo cụ...
Anh Nguyễn Văn Rĩu (đội trưởng) cho biết từ ngày thành lập đội chèo đến nay, tối nào các thành viên cũng tập hợp tại đình làng từ 20g-23g để học hát chèo với sự chỉ dạy của các diễn viên cũ và NSƯT Xuân Lựu (đoàn chèo Thái Bình).
Nhiệt tình tập tành, đến nay đội chèo làng có thể biểu diễn hàng chục vở diễn: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Hoàng Trừu kén vợ, Tấm Cám, Khúc hát Dương Xuân, Bài ca hạnh phúc..., hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm câu chèo cổ được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Son phấn chẳng át mùi ruộng đồng
Nhiệt tình thì có đầy nhưng việc duy trì đội chèo lại không đơn giản, vì hầu hết từ trang phục biểu diễn đến tiền son phấn, đạo cụ tập tành đều do diễn viên tự trang bị. Anh Rĩu hằng ngày đi lái máy cày thuê vẫn cố dành dụm mỗi ngày vài trăm bạc lẻ rồi nhờ người lên thành phố mua từ cây quạt, trâm cài khăn, cái áo... để lên sân khấu cho đồng bộ. Ruộng nhà chị Thao trồng rau nhưng không bán cho người buôn mà chị tự đi bán ở chợ để thêm tiền mua trâm cài tóc, trang sức biểu diễn...
Nhờ thế những buổi biểu diễn mừng năm mới, mừng hội làng, tiễn tân binh lên đường... các anh chị diễn viên xúng xính trong những bộ trang phục cũ nhưng vẫn thăng hoa thành nho sinh, quan huyện, công chúa, tiểu thư... dưới những lớp trang điểm còn vụng về. Và đôi khi trên sân khấu, phía sau những xống áo ông hoàng bà chúa ấy là những bắp chân vẫn còn lấm bùn, mái tóc vẫn còn vương cuống rạ...
Đơn giản vẫn những người nông dân mê chèo, những con người của ruộng đồng ấy đang cố gắng bảo tồn nghệ thuật hát chèo cổ nhưng vẫn kịp biến những câu hát, điệu múa thành gần gũi với đời sống qua những câu chuyện mà họ đã và đang nhìn thấy ở trong làng, ngoài xóm, trên những cánh đồng của quê hương năm tấn.
Ngôi sao nhạc nhẹ cũng không bằng diễn viên làng
Ông Nguyễn Văn Võ, Trưởng thôn An Phú cho biết, thôn có gần 800 nhân khẩu, chủ yếu làm công việc thuần nông. Vất vả cả ngày nhưng có một chiếu chèo cho anh chị em tham gia học hát múa, xem biểu diễn nên không khí trong thôn rất vui vì người dân rất mê chèo. Trong tất cả chương trình văn nghệ do huyện hay tỉnh biểu diễn (lưu động), dù có ngôi sao tầm cỡ nhưng nếu không có chèo là họ... không xem.
Vì thế mỗi khi có đội ca nhạc về làng, về huyện thì những diễn viên của đội chèo An Phú sẽ được mời biểu diễn giao lưu. Mà màn biểu diễn chèo bao giờ cũng phải để sau cùng nhằm giữ chân khán giả.
(THEO TUỔI TRẺ)