Nét chữ tình thầy

Cập nhật: 19-11-2013 | 00:00:00

Đều đặn mỗi ngày, trên chiếc xe máy cũ của mình, ông Bùi Công Nông - người thầy giáo già với mái tóc bạc phơ lại rong ruổi đến những lớp học ở khắp nơi để truyền từng con chữ đẹp như in của mình đến với mọi người. Cứ thế, nhiều năm trôi qua, ông để lại rất nhiều tình yêu thương với bao lớp học trò mà với ông, đó là động lực, là hơi thở giúp ông sống vui và hạnh phúc từng ngày.

Ông Bùi Công Nông đang luyện chữ cho các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An

Vị “Bao Công áo xanh”

Tôi gặp ông trong một dịp hết sức tình cờ, tình cờ như cái duyên đã đưa ông đến với nghề dạy học vậy. Ông là một cán bộ công an đã về hưu. Sự thân thiện, gần gũi và giản dị của ông khi tiếp xúc với mọi người khiến không ai nghĩ ông đã từng là một chiến sĩ cảnh sát điều tra có tiếng trong ngành.

Ông Bùi Công Nông sinh ra ở Quảng Long, Quảng Xương, Thanh Hóa, trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, ông đã rất mê nghề dạy học. Nhưng lớn lên ông được tuyển thẳng vào ngành công an cho đến năm 2010 thì ông chính thức nghỉ hưu. Hơn 30 năm trong ngành công an, ông có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Ông đã điều tra rất nhiều vụ án, nhưng ông nói đó là nhiệm vụ mà người chiến sĩ công an như ông đương nhiên phải làm chứ chẳng có gì to tát cả. Dù thời bấy giờ, nhiều tờ báo và người dân vẫn thường gọi ông là “Bao Công áo xanh”.

Từ khi về hưu, ông muốn thực hiện ước mơ làm thầy giáo thời còn thơ bé của mình và thấy mình còn sức khỏe nên ông đã đi “tầm sư” để học viết chữ đẹp. Vừa tìm thầy học chữ, vừa tự mày mò, nghiên cứu ra những phương pháp viết chữ đẹp. Ông Nông đã tìm đến các lớp học tình thương, các trung tâm khuyết tật, làng trẻ em S.O.S… để rèn những nét chữ đẹp cho các em. Ông bảo, ngành công an là cái nghề, còn dạy học chính là cái nghiệp của đời ông.

Nét chữ tình thầy

Với tâm niệm “nét chữ là nết người” nên ông Bùi Công Nông muốn qua những nét chữ mà ông uốn cho học trò của mình, không đơn giản chỉ là nét chữ đẹp mà còn hướng người học đến cái chân, thiện, mỹ. Sau một thời gian mày mò, tự nghiên cứu về phương pháp viết chữ đẹp, ông Nông bắt đầu về nhà dạy cho các cháu nhỏ trong xóm.

Sau đó, ông về quê hương ở Quảng Xương, Thanh Hóa của mình dạy cho các em học sinh cấp 1, cấp 2 và các thầy cô giáo ở đây cách viết chữ đẹp. Cũng từ đây, phong trào thi đua học và viết chữ đẹp được hình thành. Suốt mấy tháng trời, từ 18 giờ đến 22 giờ 30 phút mỗi tối, ông lại miệt mài luyện viết cho người dân. Lúc đầu, ông cũng gặp không ít khó khăn trong công việc. Nhiều người bĩu môi “Công an mà bày đặt dạy viết chữ đẹp”. Nhưng sau một thời gian ngắn, gần cả trăm học sinh bắt đầu viết chữ đẹp hơn, chính xác hơn; trong đó có nhiều học trò đi thi viết chữ đẹp cấp huyện đạt giải cao, người ta mới hết xì xào chuyện “ông công an dạy viết chữ đẹp”!

Rèn từng nét chữ cho trẻ khiếm thính tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An

Càng dạy càng có kinh nghiệm. Ông rút ra những phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và đơn giản nhất để giúp người học viết chữ đẹp mau tiến bộ hơn. Sau khi từ quê trở về Bình Dương, ông Nông tiếp tục đi khắp nơi để luyện chữ cho mọi người.

Chúng tôi tìm đến nhà ông ở ấp Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An vào lúc xế chiều khi ông vừa dạy xong một buổi viết chữ. Con đường nhỏ xíu như con lươn ngoằn ngoèo, sâu hút chỉ vừa đủ một chiếc xe máy chạy qua. Hai bên đường là ruộng lúa và sông nước mênh mông. Những người trẻ như chúng tôi khi đi trên con đường này dù đã cầm chắc tay lái, tập trung cao độ mà vẫn run vì sợ lao xuống hồ. Vậy mà ông già hơn 60 tuổi như ông ngày ngày vẫn đều đặn sớm hôm đi về trên con đường ấy, để mang cái chữ đến cho học trò của mình. Có khi ròng rã suốt cả tháng trời ông cứ cần mẫn lóc cóc chạy xe máy đi từ 5 giờ sáng xuống Tiền Giang dạy chữ, rồi 5 giờ chiều lại lóc cóc chạy xe về.

Cho đến thời điểm này, ông không nhớ nổi đã có bao nhiêu lớp học mà ông đã đi qua và bao nhiêu học trò mà ông đã cầm tay uốn nắn từng nét chữ cho mềm mại hơn, thanh thoát hơn. Một số trường để lại nhiều niềm thương, nỗi nhớ cho ông nhất là trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Làng trẻ em S.O.S Gò Vấp, Trung tâm thanh thiếu niên Gò Vấp, Trường Khuyết tật Nhân ái Tiền Giang, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Đồng Nai, trường Sư phạm Biên Hòa, trường Tiểu học Đào Sơn Tây - quận Thủ Đức, trường Tiểu học Trung Mỹ Tây - quận 12, Công ty may Việt Tiến… Ở Bình Dương thì có Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, trường Tiểu học An Long (Phú Giáo), Lai Uyên (Bến Cát), trường TH Vĩnh Phú… và ông đang thu xếp dạy cho các em ở lớp học tình thương TX. Thuận An.

“Cháy” hết mình cho những yêu thương

Học trò của ông cũng vô cùng đa dạng, nhỏ nhất chỉ mới 5 tuổi và lớn nhất đã 73 tuổi, có người chỉ mới lớp 1 nhưng cũng có người đã là thạc sĩ, có người khỏe mạnh bình thường nhưng cũng có người khuyết tật, ốm đau… Với ông, là bất kỳ ai ông vẫn luôn trân trọng, thật sự yêu thương và gần gũi. Ông bảo: “Làm nghề giáo, muốn dạy học được phải tôn trọng học sinh, yêu thương học sinh như con, thật sự quan tâm đến học sinh và phải đặt mình vào vị trí của học sinh xem họ cần gì ở thầy cô. Từ đấy, mới tìm ra được phương pháp dạy hiệu quả nhất”.

Suốt mấy năm qua, với lòng yêu người, yêu nghề và tình cảm thân thương của học trò dành cho khiến cuộc hành trình của ông không hề mệt mỏi. Bao nhiêu năm gắn bó với cái nghiệp làm thầy là bấy nhiêu năm ông chắt chiu, góp nhặt từng đồng lương hưu của mình để mua những phần quà nhỏ cho những người học trò xuất sắc.

Ngoài việc dạy chữ hoàn toàn miễn phí, ông còn tự bỏ tiền túi ra để mua sách bút, tập vở cho học trò. Ông còn bỏ tiền ra thuê một thầy giáo về dạy tiếng Anh cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn từ lớp 1 trong suốt mấy năm nay. Ngoài ra, ông cũng đóng góp cho quỹ khuyến học của địa phương. Ông thường xuyên tặng những phần quà cho học sinh nghèo hiếu học và đóng góp với nhà trường cho các cháu đi tham quan du lịch để khích lệ và động viên tinh thần các cháu.

Sơ Trịnh Thị Đào, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật TX.Thuận An nói về thầy Nông với một sự trân trọng sâu sắc: “Người như thầy xưa nay thật hiếm. Ở vào cái tuổi ấy, lẽ ra thầy phải được nghỉ ngơi, an duỡng tuổi già. Vậy mà hàng ngày thầy vẫn lặng lẽ đi khắp nơi để luyện chữ cho mọi người.

Dạy chữ cho người câm điếc thật không dễ, như chúng tôi được đào tạo có chuyên môn mà có khi còn gặp khó. Vậy mà khi thầy đến hướng dẫn cho các em câm điếc, các em học rất tốt. Từ những nét chữ xấu trở nên rõ ràng và đẹp hơn. Có một số em vượt trội hẳn lên trở thành những người viết chữ đẹp. Nhiều giáo viên trong trường cũng viết chữ đẹp hơn nhờ thầy”.

Tháng năm dầu dãi nắng mưa/ Con đò trí thức thầy đưa bao người/ Qua sông gửi lại nụ cười/ Tình yêu xin gửi người thầy kính thương. Những vần thơ với nét chữ đẹp như tranh của những học trò viết tặng thầy trong mỗi bài tập cuối khóa cũng chính là động lực để ông tiếp tục vững tay chèo chống con đò đưa học trò của mình đến với những nét chữ yêu thương. Với ông, chỉ cần bước vào lớp học là đã thấy cả một mùa xuân và chỉ cần thấy được những con chữ đẹp do học trò viết ra là hạnh phúc lại cứ thế dâng lên, cảm xúc lại ùa về.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X