Hơn 150 năm hình thành và phát triển, sản phẩm gốm Lái Thiêu đa hình, đa dạng không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống mà còn thể hiện đời sống văn hóa và tính năng động của vùng đất và con người Lái Thiêu…
Khách tham quan thưởng lãm gốm Lái Thiêu xưa và nay trưng bày tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao TX.Thuận An. Ảnh: Đ.LÊ
Đẹp từ nét mộc mạc
Nói đến gốm sứ miền Nam không thể không nói đến gốm Lái Thiêu - một thương hiệu nổi tiếng với những sản phẩm gốm tinh tế, đậm chất Nam bộ và mang tính ứng dụng cao. Gốm Lái Thiêu được xác định mốc khởi phát khoảng trước sau năm 1860. Từ xưa, sản phẩm gốm Lái Thiêu đã đi vào đời sống cư dân Nam bộ. Trong các gia đình Nam bộ xưa, nhà nào cũng có vài ba sản phẩm gốm Lái Thiêu. Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật thì gốm Lái Thiêu là tên gọi đã hình thành trong lịch sử để chỉ các sản phẩm gốm được sản xuất ở Lái Thiêu, Chòm Sao (Hưng Định), Bà Lụa và Tân Khánh. Chính vì Lái Thiêu là đầu mối bán ra các sản phẩm gốm ở vùng đất Thủ Dầu Một xưa, tức Bình Dương sau này nên đã dần hình thành nên thương hiệu gốm Lái Thiêu.
Gốm Lái Thiêu là sản phẩm của các dòng gốm chính yếu sau: Hắc dứu đào (Phước Kiến), Bạch dứu đào (Triều Châu), Thái dứu đào (Quảng Đông) có chủng loại phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân với thị trường tiêu thụ rộng rãi trong cả Nam bộ. Qua thời gian, gốm Lái Thiêu càng tăng sức hấp dẫn, nét đẹp mộc mạc từ dòng gốm này đã dần thuyết phục được những tay chơi cổ ngoạn và việc săn lùng, tìm kiếm những hiện vật gốm Lái Thiêu xưa ngày càng nở rộ trong vài năm trở lại đây. Anh Đào Duy Thắng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, anh bắt đầu sưu tầm gốm cổ gần 20 năm, trong đó anh đặc biệt tâm huyết với sản phẩm gốm Lái Thiêu vì nét đẹp chân phương, giản dị gần gũi với đời sống người dân phương Nam.
Kế thừa và phát huy nghề gốm truyền thống
Gốm là ngành nghề truyền thống của nhân dân Thuận An, từ những năm giữa thế kỷ XIX, những dòng gốm Lái Thiêu đầu tiên đã ra đời. Theo dòng thời gian, gốm Lái Thiêu không ngừng phát triển với nhiều chủng loại, đa dạng sản phẩm, thể hiện tính mỹ thuật và kỹ thuật cao, thể hiện tâm hồn, cốt cách, văn hóa Việt. Gốm Lái Thiêu xưa và gốm Thuận An ngày nay đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, với xu thế hội nhập và phát triển cùng với tiến trình đô thị hóa, một số cơ sở gốm sứ truyền thống đã ngừng hoạt động, di dời cơ sở, chuyển đổi ngành nghề. Song nghề gốm sứ truyền thống của Thuận An vẫn tiếp tục phát triển với việc phát huy những tinh hoa truyền thống và ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, thay đổi quy mô sản xuất, mở rộng thị trường và đã đạt được những thành tựu đáng kể, là niềm vinh dự và tự hào cho quê hương Thuận An, Bình Dương, đáng kể như gốm sứ Minh Long, Cường Phát, Trung Thành…
Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, ông được kế thừa nghề gốm truyền thống của gia đình, sau này ông đi dự nhiều cuộc triển lãm và về nghiên cứu ra nhiều mẫu mã, men màu, cải tiến kỹ thuật để sản xuất gốm sứ xuất khẩu. Ông còn đi tham quan nhiều cuộc triển lãm thiết bị và về cải tiến công nghệ sản xuất cho công ty như: Đầu tư lò con thoi, lò liên hoàn, máy hút từ tính, máy hút chân không, máy đùn đất, máy ép đất, máy in trục lăn… sản xuất gốm sứ ngày nay không chỉ cho ra sản phẩm đẹp mà còn bảo đảm vệ sinh môi trường, không có độc tố.
ĐỨC LÊ