Nét độc đáo của lò gốm cổ giữa lòng phố thị

Cập nhật: 06-05-2023 | 08:52:54

Nếu có ai đó đã lỡ phải lòng Làng nghề gốm sứ Bình Dương thì Lò lu Đại Hưng (hay còn gọi là Lò gốm cổ Đại Hưng, tọa lạc tại đường Lò Lu, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) sẽ là điểm đến không thể bỏ qua. Đây là cơ sở sản xuất và bảo tồn nghề gốm cổ nhất đất Bình Dương với khoảng 180 năm tuổi.


Học sinh trường THCS Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) tham quan Lò lu Đại Hưng

Cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một khoảng vài km, tại phường Tương Bình Hiệp có hẳn một con đường mang tên Lò Lu. UBND tỉnh chính thức công nhận và đặt tên theo địa danh cho con đường này từ năm 2005. Theo người dân địa phương ở đây giải thích, con đường này từ xa xưa đã mang tên Lò Lu do ngày trước nơi đây có rất nhiều cơ sở sản xuất đồ gốm, lu, vại, ống khói hoạt động. Hiện nay, trên đoạn đường Lò Lu chỉ còn một vài lò gốm vẫn duy trì hoạt động, sản xuất theo phương thức truyền thống, trong đó Lò lu Đại Hưng đã được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2006.

Sau khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, lò lu này được quan tâm bảo tồn, giữ lại những không gian vốn có của một lò gốm cổ. Vì thế, mỗi khi đến Bình Dương, du khách thường tìm đến đây để tham quan, tìm hiểu. Với nét đặc trưng là ngay từ đầu con đường đã óng ánh sắc gốm của lu, hũ, khạp, chậu… chất đầy 2 bên lề đường, Lò lu Đại Hưng đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong các bộ phim tài liệu về nghề truyền thống hoặc lấy bối cảnh của một lò lu xưa để đưa vào phim của nhiều đoàn làm phim. Đây cũng là nơi nhiều bạn trẻ tìm đến “check in”, lưu lại những khoảnh khắc hoài cổ cho bộ sưu tập của mình.

Du khách khi đến với Lò lu Đại Hưng sẽ được tìm hiểu các công đoạn làm lu, khạp: Ngâm đất sét (nguyên liệu) - nghiền đất - nén đất tạo độ dẻo, mịn - cắt đất thành thớ - tạo hình - phơi sương gốm - trang trí hoa văn - tráng men - phơi gốm đã tráng men - nung - thành phẩm. Các em học sinh đến tham quan còn được nhào nặn các bức tượng với nguyên liệu là đất sét tự nhiên, thỏa thích tạo hình những con vật mà mình yêu thích. Khi ra về, các em còn rất thích thú khi được các nghệ nhân tặng thêm đất sét mang về nhà nặn tượng.

Ngoài các sản phẩm lu, hũ, khạp, Lò lu Đại Hưng còn sản xuất thêm nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt khác theo đơn đặt hàng của khách ở đồng bằng sông Cửu Long hay nước bạn Campuchia. Những sản phẩm đặc trưng của lò như lu, khạp... thường được người dân dùng để dự trữ nước sinh hoạt và hứng nước mưa rất tiện lợi.

Để khám phá cung đường đẹp ánh sắc gốm mang tên Lò Lu, cũng như tìm hiểu về các công đoạn sản xuất, nhất là tìm hiểu về kỹ thuật đốt lò, nung truyền thống các sản phẩm ở Lò lu Đại Hưng, lắng nghe tâm sự của những người làm gốm truyền thống… mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình do Báo Bình Dương thực hiện sẽ phát vào 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 7-5-2023) tại địa chỉ: www.baobinhduong.vn.

 THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4006
Quay lên trên