Nét mới ở một nông trường của thanh niên

Cập nhật: 22-07-2011 | 00:00:00

Cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 75km, ở một vùng đất hoang sơ với những đồi dốc, cỏ cây bụi rậm, có thể làm nản lòng cho những ai lần đầu đặt chân đến, vậy mà với bàn tay không mệt mỏi của sức trẻ. Giờ đây, nơi ấy đã trở thành nông trường với vườn cao su xanh mướt, đàn bò tung tăng gặm cỏ và những luống mì lớn lên từng ngày. Chúng tôi không giấu được sự ngạc nhiên và niềm thán phục trước ý chí và tinh thần vượt khó của những bạn trẻ tại Nông trường Thanh niên xung phong (TNXP).

Ngày đầu lập nghiệp

Hòa nhã, vui tươi và hiếu khách, đó là đặc tính chung của những công dân của Nông trường TNXP, tại một vùng quê hẻo lánh ở xã An Thái (Phú Giáo). Phần lớn các đội viên đều có tuổi đời còn rất trẻ, vậy mà hầu như đều có thâm niên gắn bó với nông trường từ những ngày đầu mới khai hoang. Nếp sinh hoạt có vẻ giống như môi trường quân đội. Mọi người trong bộ đồng phục màu xanh lá đậm, xăng xái cùng nhau hái rau, bẻ măng, bắt heo rừng... rồi lại cùng nhau trổ tài bếp núc khi có đoàn khách đến thăm. Tất cả đều là sản phẩm của nông trường. Ở đây có tổ trồng trọt, tổ chăn nuôi với hơn 30 đội viên, trong đó có hơn 20 ĐVTN cùng tham gia sinh hoạt chi đoàn.

  Vui cùng bữa cơm chiều  Khai thác “vàng trắng”  Đàn bò của nông trường

“Chỉ có 2 người lớn tuổi nhất là sinh năm 1946, còn lại đều ở tuổi hơn kém 30, nhỏ tuổi nhất là sinh năm 1992”, Trần Minh Hiệp, đội viên khai thác mủ cao su cho biết. Anh sinh năm 1986, đến từ Thái Nguyên. Lúc đầu được người quen giới thiệu, anh khăn gói rời quê hương với ước mơ tạo dựng tương lai tại mảnh đất Bình Dương. “Quả thật mới đầu đến đây mình đã khóc vì nhớ nhà. Lần đầu xa quê, lại sống ở một nơi hiu hắt và buồn đến vậy hỏi sao không khóc?”, anh tâm sự. Nhưng bây giờ thì khác rồi, anh đã quen với từng con đường, dòng nhựa trắng từ những hàng cao su bát ngát. “Giờ thì khó lòng rời bỏ nơi này, vì mọi thứ đều được tạo dựng nên từ thành quả của mình và những người đồng đội thân thương”.

“Thời gian đầu chưa có con đường đất đỏ chạy dài vào nông trường đâu nhé. Hồi ấy, bọn em đi chợ phải lội bộ hàng cây số. Có lần mấy anh em rủ nhau ra ngoài uống cà phê, lúc đi trời không mưa nhưng khi về thì trời mưa tầm tả. Kết quả là khi cơn mưa tạnh, mọi người phải thay phiên nhau khiêng xe về vì không thể chạy được. Khó khăn vậy mà vui lắm”, Mai Thị Hảo, cô gái đến từ Thái Bình kể lại. Nói về con đường, anh Đoàn Văn Hình, Đội phó Đội trồng trọt, sinh năm 1979 có thâm niên gắn bó với nông trường từ những ngày đầu, chắc sẽ không thể nào quên. Bởi vì, nó gắn liền với mối tình đầu tiên của anh với cô gái quê ở Đồng Xoài (Bình Phước). Xung phong lập nghiệp ở vùng đất hoang sơ, hẻo lánh với con đường đất đỏ bện chặt vào bánh xe khiến cho xe cứ đứng ỳ một chỗ. Đến thăm anh lần đầu tiên nhưng cô người yêu nhỏ đã nản lòng và như không tin tưởng vào con đường tương lai anh chọn. Thế nhưng, anh nghĩ “là TN thì phải có tinh thần xung phong tình nguyện, mới có tương lai lâu bền, chứ ai cũng chọn việc dễ dàng gian khổ sẽ dành phần ai!”. “Thú thật lúc ấy mình cứ nghĩ là đi lập nghiệp như thế này chắc người yêu sẽ lấy chồng mất. Có lẽ chính nhờ sự kiên quyết và thiết tha của mình mà cô ấy đã là bà xã của mình bây giờ”, anh bật cười nhớ lại. 

Niềm vui phía trước

Nồng nhiệt với tình yêu và khát vọng của tuổi trẻ tại vùng đất tuy khó khăn nhưng không phụ lòng người, đến nay cuộc sống của những công dân nơi nông trường đang ngày càng khởi sắc. Con đường đất đỏ đã chạy dài đến khu tập thể, cao su bắt đầu đưa vào khai thác góp phần tăng thêm thu nhập cho mọi người. Điều kiện vật chất, mức thu nhập chưa phải là cao nhưng mọi người đều rất phấn khởi khi nghĩ về những thành quả đã đạt được và định hướng cho con đường phía trước. Tốt nghiệp trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ cao su Bình Phước, Nguyễn Thị Xuân, quê Thanh Hóa, Phó Bí thư Chi đoàn Nông trường TNXP cho biết: “Em mơ ước thành cô giáo nhưng không hiểu sao lại chọn học ngành cao su khi chưa một lần nhìn thấy loài cây ấy như thế nào. Ở đây lương chưa cao nhưng mọi người sống chan hòa, đoàn kết và rất vui, chủ yếu là được cống hiến sức trẻ và tinh thần tinh nguyện. Quả thật, giờ mình đã quen với mùi đất, mùi cây, mùi đặc trưng của dòng nhựa trắng lắm rồi!”.

Đội trưởng Đội TNXP Phạm Hồng Thắng, cho biết năm 2004, Đội TNXP được thành lập cũng là năm đội tiếp nhận và quản lý 140 ha đất tại xã An Thái để xây dựng nông trường với các dự án sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Đến năm 2005, đội được UBND tỉnh duyệt đầu tư dự án trồng 40 ha cao su trên nông trường, với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách là 2,4 tỷ đồng. Đến nay, 30 ha đã đưa vào khai thác mủ từ đầu năm 2011, dự kiến đến cuối năm sẽ khai thác 100% diện tích, cho thu hoạch hơn 2 tỷ đồng/năm. Để khai thác hiệu quả quỹ đất của nông trường, anh em đội viên triển khai các phương án chăn nuôi bò, heo rừng lai, gà thả vườn... với quy mô vừa và nhỏ, kết hợp tận dụng phụ phế phẩm và khép kín đã phát huy hiệu quả, giúp Nông trường TNXP phát triển ổn định và bền vững. Hiện tại, mức thu nhập của đội viên trung bình từ 2 - 2,5 triệu đồng, nhưng được sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi thăm và làm việc mới đây, sắp tới Đội TNXP phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mở rộng diện tích trồng cây cao su, nghiên cứu mở rộng các mô hình chăn nuôi phù hợp, nâng mức thu nhập tối thiểu là 3 triệu đồng trong thời gian gần nhất góp phần nâng cao đời sống cho những công dân trẻ của nông trường.

Những nỗ lực của các bạn trẻ với tinh thần xung phong tình nguyện, không ngại khó, không ngại khổ, tiếp nối truyền thống quý báu của các thế hệ để không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. “Đó là niềm vui và sự động viên tinh thần rất lớn đối với công việc của Đội TNXP. Chúng tôi hứa bằng cả tâm sức của mình để hoàn thành tốt công việc xứng đáng là thế hệ TNXP trong thời kỳ mới”. Anh Thắng còn cho biết, nông trường sẽ tính đến phương án tạo cơ hội việc làm cho TN sau cai nghiện giúp họ làm lại cuộc đời...

Mỗi lần về thăm nông trường chúng tôi lại phấn khởi với bao điều mới. Niềm vui ở một khu tập thể xa xôi thật không thể thiếu vắng cây đàn ghi-ta cùng tiếng hát vui tươi “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”!

NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=334
Quay lên trên