Trung tướng Hồng quân Alexander Lebed (1950-2002) là một nhân vật đầy tranh cãi trong thời hậu Xôviết. Đến tận lúc này giới sử gia Nga vẫn chia làm 2 phe đối kháng nhau. Nhóm đầu tiên ca ngợi ông như là một người anh hùng dân tộc của thời hiện đại; trong khi nhóm còn lại coi hiện thân A. Lebed như "kẻ tội đồ" bởi theo họ, ông luôn là vị chính khách "cứng đầu"…
Sinh ngày 20-4-1950 trong một gia đình công nhân ở thành phố Novocherkassk, thuộc vùng Rostov, phía tây nam nước Nga, với tên khai sinh đầy đủ là Alexander Ivanovich Lebed. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Alexander thi đậu vào Trường đào tạo sĩ quan nhảy dù nổi tiếng ở Ryazan, rồi bắt đầu tại ngũ trong Binh chủng nhảy dù từ năm 1973.
Đến năm 1982, sau thời gian phục vụ ở chiến trường Afghanistan với thành tích xuất sắc được tặng Huân chương Sao đỏ, Trung tá Tiểu đoàn trưởng A. Lebed được cử đi học tại Học viện Quân sự cao cấp lừng danh mang tên Mikhail Frunze ở thủ đô Moscow, rồi tốt nghiệp với tấm bằng đỏ ưu tú.
Trung tướng Hồng quân A. Lebed.
Đầu năm 1985, sau khi ra trường, Đại tá A. Lebed trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn nhảy dù số 331, đóng quân tại Kostroma. Gần 2 năm sau ông được cử giữ chức Phó tư lệnh Sư đoàn nhảy dù Pskov; đến năm 1988 được phong hàm Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn nhảy dù Tula. Sư đoàn thiện chiến do A. Lebed lãnh đạo đã tham gia trấn áp thành công các cuộc bạo loạn trong vùng Transcaucasia, cũng là những mầm mống đầu tiên khởi xướng phong trào ly khai đòi tách khỏi Liên bang Xôviết.
Hành động "cứng đầu" đầu tiên của tướng A. Lebed là trên diễn đàn Đại hội lần thứ 28 của đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS), ông đã công khai chỉ trích Ban lãnh đạo tối cao của KPSS do Mikhail Gorbachev đứng đầu, đã tha hóa biến chất ngả theo xu hướng nịnh bợ phương Tây. Kế đến là vụ bất tuân thượng lệnh khi đem quân về bảo vệ Nhà trắng (trụ sở Quốc hội Nga), theo sự điều động của Tư lệnh binh chủng nhảy dù Pavel Grachev trong cuộc chính biến dạo tháng 8-1991, nhưng lại... án binh bất động.
Thậm chí Phó tổng thống Nga lúc ấy là Alexander Rutskoy còn hứa sẽ cho A. Lebed làm Bộ trưởng Quốc phòng, nếu ông có hành động thiết thực ở Moscow; nhưng tướng A. Lebed cương quyết từ chối, khi trả lời thẳng thừng qua điện thoại: "Tôi không muốn can dự vào cuộc xung đột quyền lợi chính trị giữa M. Gorbachev và Boris Yeltsin".
Hiển nhiên A. Lebed đã đứng về phía những người muốn duy trì một thể chế Liên Xô hùng cường, theo đúng tôn chỉ của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP). Sau đó A. Lebed nhờ uy tín cùng tài năng của mình chẳng những không bị kỷ luật vì đã ngấm ngầm ủng hộ GKChP, mà còn được thăng hàm Trung tướng đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 14 đồn trú tại Cộng hòa Moldova. Khi P. Grachev trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Nga thời hậu Xôviết vào giữa tháng 8-1992, liền ra quyết định thuyên chuyển viên tướng "gai mắt" A. Lebed khỏi Quân đoàn 14 đến nhận nhiệm vụ mới ở Cộng hòa Tajikistan, nhưng ông lại... không chịu tuân lệnh.
A. Lebed (phải) cùng đại diện phiến quân Chesnia sau khi ký thỏa thuận ngừng bắn.
Tới đầu mùa hè năm 1995, P. Grachev nhân danh người đứng đầu các lực lượng vũ trang Nga đã ký lệnh điều động Quân đoàn 14 tới mặt trận Chesnia đang hồi khốc liệt, để không phải can dự vào "cảnh nồi da nấu thịt giữa các dân tộc anh em", như nguyên văn lời ông tuyên bố với báo giới. Tướng A. Lebed đã quyết định từ chức, rời khỏi quân ngũ, gia nhập chính trường và trúng cử vào Duma Quốc gia (Hạ viện Nga)...
Trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống Nga dạo giữa năm 1996, ứng viên A. Lebed của đảng Đại hội các Cộng đồng Nga (CRC) đã về thứ 3 với 14,7% số phiếu bầu từ hơn 11 triệu cử tri. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, B. Yeltsin liền bổ nhiệm A. Lebed vào chức vụ Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia, nên ông tự nguyện rời bỏ cuộc đua để dồn phiếu giúp B. Yeltsin tái đắc cử Tổng thống trong vòng 2.
Hành động khiến A. Lebed được công chúng tôn vinh như một người anh hùng dân tộc, bởi cuối tháng 8-1996, trong vai trò là Cố vấn an ninh của tổng thống, ông đã âm thầm "qua mặt" giới chức ở Điện Kremlin, thân chinh tiếp xúc với lãnh đạo quân nổi dậy giúp đưa tới việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn, kết thúc cuộc chiến Chesnia lần thứ nhất kéo dài suốt 2 năm ròng. Kỳ tích này của A. Lebed đã được Viện châu Á có trụ sở tại Toronto (Canada) trao Giải thưởng Hòa bình của năm.
Tức thì Bộ trưởng Nội vụ Anatoly Kulikov coi động thái của Lebed là lạm quyền, đồng thời gọi ông là "Augusto Pinochet của Liên bang Nga" ám chỉ âm mưu tiếm quyền ở cấp cao hơn - giống như viên tướng Pinochet ở Chile hơn 2 thập niên trước. Để lường trước sự việc có thể xảy ra theo nhận định của A. Kulikov, B. Yeltsin liền cách chức cố vấn cũng như Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia của A. Lebed.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tưởng niệm Thống đốc A. Lebed trong lễ tang mang nghi thức quốc gia.
Quá chán ngán với việc tranh giành đấu đá quyền lực tại cấp trung ương, vào giữa tháng 5-1998, chính khách kỳ cựu A. Lebed liền ra ứng cử ở cấp địa phương rồi trở thành Thống đốc vùng Krasnoyarsk thuộc Siberia, cũng là chủ thể Liên bang có diện tích rộng lớn đứng hàng thứ 2 ở Nga (sau Cộng hòa Sakha) với nhiều nguồn khoáng sản quý hiếm; đồng thời ông cũng là Ủy viên Hội đồng Liên bang và nghị sĩ Quốc hội Nga.
Tới ngày 28-4-2002, Thống đốc A. Lebed cùng đoàn tùy tùng gồm 20 người tham dự lễ khánh thành khu trượt tuyết mới mở gần hồ Oysk. Đến khoảng 10 giờ sáng trên đường trở về, chiếc trực thăng Mi-8 chở đoàn ở độ cao 45m bất thần đâm vào sườn núi Buybinski thuộc dãy núi Sayan, rơi xuống đất vỡ vụn thành nhiều mảnh.
Thống đốc A. Lebed thiệt mạng 4 giờ sau khi được chở tới bệnh viện thành phố Krasnoyarsk cấp cứu. Kết quả điều tra chính thức cho biết, rằng nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc là do trực thăng đã "va" phải đường dây điện cao thế giữa lớp sương mù dày đặc, dẫn đến mất lái...
Trong phiên tòa xét xử sau đó, tuy cả 2 phi công Aleksei Kurilovich và Tahir Ahmerov (nằm trong số 13 người sống sót) đều phủ nhận tội danh, nhưng họ vẫn bị kết án về tội bất cẩn khi cứ quyết định bay trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Song song tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau đầy nghi vấn quanh vụ tai nạn, nhất là hướng tới các đối thủ chính trị giấu mặt muốn ám hại người có khả năng thắng cử trong kỳ bầu cử tổng thống kế tiếp... Gần đây nhất là kết luận từ một nhóm điều tra độc lập, khẳng định rằng bên dưới cánh quạt trực thăng đã bị gắn một loại chất nổ dẻo siêu hiện đại, tự động kích nổ khi gặp từ trường cao như đường dây tải điện.
Còn riêng với 2 viên phi công dày dạn kinh nghiệm như A. Kurilovich và T. Ahmerov, họ thừa sức phát hiện chướng ngại vật từ xa qua màn hình radar, kịp thời điều khiển máy bay vòng tránh... Chỉ có một cú nổ cực mạnh bất thình lình mới khiến cỗ trực thăng vũ trang hiện đại mất phương hướng!
Theo CAND