Trong bài phát biểu tại Hạ viện ngày 3-6, Cục trưởng Cục Vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Oleg Frolov, cho biết Moscow có kế hoạch chi tới 417 tỷ USD trong chương trình mua sắm vũ khí từ nay tới năm 2020.
Theo Tướng Frolov, số tiền này cũng chỉ đủ để ưu tiên tái vũ trang cho Lực lượng Hạt nhân chiến lược, Không quân và Phòng không. Trong khi đó, Lực lượng Lục quân và Hải quân Nga sẽ phải tìm cách tận dụng số lượng vũ khí hiện có, có chăng chỉ được cung cấp một số ít trang bị vũ khí mới.
Theo số liệu, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính mua sắm vũ khí trong vòng 10 năm tới cho toàn bộ các quân binh chủng, quân đội Nga cần tới từ 898 tỷ USD cho tới 1.150 tỷ USD. Đây quả là một bài toán đau đầu đối với các nhà hoạch định quốc phòng Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang ì ạch vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay.
Do vậy, với ngân sách chi tiêu có hạn, Nga cần phải tiến hành đầu tư hợp lý vào các quân binh chủng nhằm đảm bảo quân đội Nga vẫn đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình.
Đầu tư mạnh vào lực lượng Không quân, Phòng không và Hạt nhân chiến lược
Trong vòng 5 năm tới đây, Lực lượng Không quân Nga sẽ nhận thêm 350 máy bay chiến đấu mới và 400 máy bay trực thăng mới. Trong 10 năm tới đây, toàn bộ Lực lượng Không quân Nga phải cần tới 1.500 máy bay các loại, trong đó ít nhất 800 máy bay chiến đấu mới. Điểm đặc biệt trong kế hoạch này là loại máy bay chiến lược T-50 sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2015.
Máy bay thế hệ thứ 5 của Nga T-50 sẽ được trang bị cho lực lượng Hải quân.
Ngoài ra, chương trình hiện đại hóa Lực lượng Không quân sẽ bao gồm việc đưa vào trang bị loại máy bay ném bom hạng nặng như Tu-95 và Tu-160. Bên cạnh đó, Không quân Nga sẽ phát triển loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo, thường được nhắc đến với tên gọi PAK DA - nghĩa là tổ hợp không quân chiến lược tương lai.
Các phương tiện vận chuyển quân sự hàng không cũng sẽ nhận được nguồn tài chính để duy trì số lượng máy bay vận tải hiện có bao gồm các loại Il-76, An-22 và An-124 Ruslan. Ngoài ra, Nga cũng dự định trang bị một số loại máy bay mới trong đó Il-476, Il112B, An-70 và An-124 Ruslan. Đây là những loại máy bay vận tải hiện đại do Nga thiết kế và sản xuất. Chương trình sản xuất hàng loạt các loại máy bay này đã được bắt đầu. Ngoài ra, Nga có thể sẽ cần phải có loại máy bay vận tải khác.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng không Nga sẽ tiếp nhận thêm các hệ thống tên lửa hiện đại S-400, cùng với việc bổ sung loại tên lửa hiện đại S-300, hệ thống tên lửa tầm ngắn Pantsyr, hệ thống tên lửa tầm trung Vityaz cùng nhiều loại vũ khí khác. Trong khi đó, hiện tại Nga đang phát triển loại tên lửa phòng thủ S-500.
Lực lượng hạt nhân chiến lược, vốn được ưu tiên hàng đầu so với các quân, binh chủng khác, cũng sẽ được trang bị tên lửa Topol-M và loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiệt hạch RS-24 Yars MIR Ved. Ngoài ra, Lực lượng Hạt nhân Chiến lược cũng sẽ được trang bị loại tên lửa khủng đặt dưới hầm ngầm.
Lực lượng Hạt nhân Chiến lược của hải quân sẽ tiếp nhận 8 tàu chiến chiến lược theo Dự án 955 được trang bị tên lửa Bulava. Hiện tại, các cuộc thử nghiệm đối với tên lửa Bulava sẽ được hoàn tất trong vòng một năm tới đây.
Sao nhãng vai trò của Lục quân và Hải quân?
Đối với Lực lượng Lục quân và Hải quân, Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu cần phải tự cơ cấu lại để tiếp nhận một số lượng ít trang thiết bị vũ khí mới. Theo các chuyên gia quân sự Nga, đây có thể là điều nguy hiểm đe dọa tới lợi ích và chủ quyền của Nga trong tương lai.
Xét về một vài khía cạnh nào đó, mức độ trang bị hạn chế có thể phù hợp đối với Lực lượng Lục quân bởi vì hầu như tất cả các nước láng giềng của Nga đều sao nhãng tiến trình hiện đại hóa Lực lượng Lục quân. Trong khi đó, nhiều nước còn tiến hành cắt giảm ồ ạt số lượng binh sĩ và xem xét lại các chương trình tái vũ trang cho lực lượng này.
Ngay cả đối với Mỹ, Lầu Năm Góc đã từ bỏ tham vọng theo đuổi chương trình hệ thống chiến đấu tương lai, vốn tập trung vào việc phát triển các loại phương tiện chiến đấu mới, từ súng tự phóng cho tới các phương tiện chiến đấu bộ binh. Đức và Anh cũng giảm đáng kể kế hoạch phát triển các loại xe tăng mới. Gần đây, Nga cũng ngừng thực thi dự án xe tăng T-95.
Do đó, chương trình hiện đại hóa trang thiết bị của Lực lượng Lục quân Nga dường như dậm chân tại chỗ mà thay vào đó Lục quân cần tập trung vào việc sửa chữa và sử dụng các loại vũ khí hiện có.
Tình hình còn tồi tệ hơn đối với Lực lượng Hải quân. Nếu như không nhận được nguồn kinh phí cho chương trình tái vũ trang, Hải quân Nga có thể sẽ mua không quá 12 đến 15 tàu chiến, 6 đến 8 tàu tàu ngầm đa chức năng chạy bằng động cơ diesel và năng lượng hạt nhân và một số tàu chiến khác trong vòng 10 năm tới đây. Chính phủ Nga cũng chỉ chi ngân sách để mua thêm 4 tàu đổ bộ lớp Mistral của Pháp.
Số lượng trang bị này không đủ để bổ sung cho những hao tổn của Hải quân trong quá trình vận hành. Trong bối cảnh chi tiêu ngặt nghèo đến như vậy, cho tới năm 2020 - 2025, Hải quân Nga không thể hoạt động một cách độc lập tại những chiến trường cách xa đất liền. Chưa nói gì tới việc bảo vệ lợi ích kinh tế Nga trước một kẻ thù lớn mạnh trong lãnh hải của mình và tại những khu vực quan trọng trên thế giới cũng như việc trợ giúp Lực lượng Lục quân tại những khu vực duyên hải. Thậm tệ hơn, với trang thiết bị yếu kém như vậy, Hải quân Nga không thể đảm bảo được sự hoạt động của những tàu ngầm chiến lược.
Các chuyên gia quốc phòng Nga nhận định đây là điều không thể chấp nhận đối với một cường quốc ngày càng nổi như Nga, đặc biệt trong bối cảnh vai trò ngày càng quan trọng của Hải quân.
Nếu Nga không có những bước điều chỉnh, Hải quân nước này không thể bảo vệ được lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Giải pháp duy nhất đó là tiếp tục tăng chi phí cho ngân sách quốc phòng với điều kiện đảm bảo các khoản chi tiêu phải được tính toán khôn ngoan.
(THEO VNMEDIA)