Nga công nhận chính quyền mới Kyrgyzstan
Hôm qua (8-4), hãng tin Reuters dẫn lời các thủ lĩnh phe đối lập cho biết họ đã được Nga giúp lật đổ tổng thống Kurmanbek Bakiyev và đang hướng tới việc đóng cửa căn cứ quân sự Manas của Mỹ dùng để trung chuyển quân đội Mỹ và NATO đến chiến trường Afghanistan.
Khu căn cứ quân sự Manas
Phía Nga cũng có một vài dấu hiệu xác nhận nguồn tin trên. Sau khi tổng thống Barack Obama và Dmitry Medvedev ký thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân ở Prague chưa được bao lâu thì một thành viên cao cấp của phái đoàn Nga yêu cầu Kyrgyzstan đóng cửa căn cứ Mỹ.
Thành viên nói trên, yêu cầu không tiết lộ danh tánh, trách móc ông Bakiyev đã không giữ lời hứa đóng cửa căn cứ quân sự Manas. Theo ông này, Kyrgyzstan chỉ nên có một căn cứ quân sự nước ngoài là Nga.
Năm ngoái, ông Bakiyev đã đến Moscow hứa sẽ đóng cửa căn cứ Manas sau khi được Moscow viện trợ 2 tỉ USD để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên sau đó, ông Bakiyev vẫn cho Mỹ tiếp tục duy trì căn cứ Manas với giá cao hơn.
Tuy nhiên, hãng tin AP dẫn lời bà Roza Otunbayeva, cựu ngoại trưởng trong nội các ông Bakiyev, cho biết chính phủ lâm thời chưa có kế hoạch tái xét thỏa thuận cho Mỹ thuê căn cứ không quân Manas. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 7 tới.
Trước đó, thủ tướng Nga Vladimir Putin bác bỏ nguồn tin theo đó Nga đóng một vai trò trong những diễn biến mới nhất ở Kyrgyzstan.
Tuy vậy, theo Reuters, chính ông Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên công nhận bà Roza Otunbayeva là nhà lãnh đạo mới ở Kyrgyzstan. Và cũng chính ông đã gọi điện thoại cho bà Roza sau khi bà này tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Động thái này được coi là gia tăng sức ép buộc ông Bakiyev từ chức. Nhưng ông Bakiyev, hiện nay đang cố thủ ở thành phố Osh, vùng Jalal-Abad miền Nam Kyrgyzstan, vẫn chưa chịu thua.
Trong một cuộc điện đàm với Reuters hôm qua, ông khẳng định chưa có kế hoạch từ chức mà đang tìm cách đàm phán với phe đối lập. Ông cho biết thêm: "Tôi không thể nói Nga đứng đàng sau vụ (lật đổ) này. Tôi không muốn đề cập tới chuyện ấy vì đơn giản tôi không muốn tin có chuyện ấy".
Phát biểu trên đài phát thanh Nga Ekho Moskvy, ông Bkiyev nói : "Mặc dù tôi vẫn là tổng thống, tôi không còn quyền lực nào (ở Bishkek)".
Trong khi đó, cho đến giờ này Mỹ vẫn chưa quyết định liệu có nên công nhận chính phủ mới hay không. Mỹ cũng chưa tuyên bố ai là người đang kiểm soát Kyrgyzstan. Về nguồn tin Nga đứng đàng sau vụ lật đổ chính quyền ông Bakiyev, Michael McFaul, vụ trưởng vụ Nga của tổng thống Obama, hôm qua tuyên bố những biến cố ở Kyrgyzstan không phải là một cuộc tranh giành giữa Mỹ và Nga. Đó cũng chẳng phải là một vụ đảo chính dưới sự bảo trợ của Nga vì chẳng có chứng cứ nào cả”.
Kyrgyzstan, có 858 km đường biên giới chung với Trung Quốc, là cửa khẩu vào các nước Trung Á giàu dầu lửa mà Mỹ, Nga và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng.
Tìn hình Kyrgyzstan hiện nay, theo AP, vẫn chưa được ổn định vì ông Bakiyev chưa chịu từ chức. Hơn nữa, theo bà Otunbayeva, chính phủ mới chỉ mới kiểm soát được 4 trong 7 vùng. Người ta đang lo ngại ông Bakiyev, hiện đang ở vùng Jalal-Aba, nơi có tin uy tín của ông Bakiyev vẫn còn cao, có thể khai thác mức chênh lệch giàu nghèo giữa miền Bắc công nghiệp hoá cao và miền Nam nghèo nàn vì đa số dân là nông dân để lật lại thế cờ.
(THEO TUỔI TRẺ)