Theo tuyên bố của Thủ tướng Nga Putin, hệ thống phòng thủ của Mỹ đã phá vỡ cân bằng quyền lực và là trở ngại chính trong việc đạt được thỏa thuận mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhân tố quan trọng để ký hiệp ước mới thay thế START-I đã hết hạn từ hôm 5-12.
Việc tiếp tục trở thành nhân vật số một của nước Nga (theo kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Liên bang) đã khiến cho tuyên bố hôm 29-12 của Thủ tướng Putin càng được dư luận quan tâm. Việc này càng trở nên quan trọng sau khi Mỹ lập tức có phản ứng đối với tuyên bố của Thủ tướng Putin - kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ phá hủy thế cân bằng giữa Mỹ và Nga, do đó, Moskva cần đẩy mạnh phát triển vũ khí tấn công, nếu không Nga sẽ phải chịu sự đe dọa từ bên ngoài.
Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng thống Barack Obama
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly cho rằng, hiệp ước mới thay thế START-I chỉ liên quan tới vũ khí phòng thủ chiến lược và Washington muốn tiếp tục thảo luận về vấn đề phòng thủ tên lửa trong một dịp khác với Moskva. Mỹ khẳng định, lá chắn tên lửa và việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược là 2 việc khác nhau. Ngoài ra, Washington cũng bác bỏ những quan ngại của Moskva xung quanh vấn đề nhạy cảm này.
Theo tuyên bố của Thủ tướng Putin, hệ thống phòng thủ của Mỹ đã phá vỡ cân bằng quyền lực và là trở ngại chính trong việc đạt được thỏa thuận mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhân tố quan trọng để ký hiệp ước mới thay thế START-I đã hết hạn từ hôm 5-12. Thủ tướng Putin nhấn mạnh, vấn đề lá chắn tên lửa và vũ khí tấn công có liên quan chặt chẽ với nhau.
Giới quân sự rất quan tâm tới việc Thủ tướng Putin muốn Nga phải phát triển hệ thống vũ khí tấn công để làm đối trọng với hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. Tổng thống Dmitry Medvedev từng khẳng định, dù Nga và Mỹ đang tiến gần đến việc ký hiệp ước mới thay thế START-I, nhưng Moskva vẫn đẩy mạnh kế hoạch phát triển những vũ khí tấn công chiến lược mới trong khuôn khổ cho phép. Ông Dmitry Medvedev nhấn mạnh, ký hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược không có nghĩa là Nga từ bỏ kế hoạch phát triển tiềm năng hạt nhân của mình.
Hôm 24-12, Tổng thống Dmitry Medvedev đã nói, sự răn đe hạt nhân của Moskva sẽ phải đủ mạnh để bảo vệ các lợi ích của Nga, nếu không sẽ khó có thể bảo vệ đất nước.
Cách đây mấy hôm (26-12), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng tuyên bố, theo thoả thuận mới sẽ được ký trong thời gian tới, vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ và Nga sẽ được cắt giảm tới mức chưa từng thấy. Hiệp ước mới thay thế START-I sẽ được ký trong tương lai gần.
Theo CAND