Trong năm qua và kéo dài đến nay, các siêu thị điện máy tổ chức nhiều chương trình giảm giá. Đây là một kỹ thuật bán hàng, giảm được giá nhưng vẫn có lời.
Một nhà nhập khẩu điện thoại di động tiết lộ rằng, sản phẩm từ hãng khi đến tay người tiêu dùng phải qua ba lần nâng giá.
Qua nhiều tầng giá
Tùy theo số lượng hàng hoá cũng như tính cạnh tranh giữa các thương hiệu với nhau mà giá từ hãng đến các nhà nhập khẩu dao động từ 8 – 14%. Hàng từ nhà nhập khẩu đến các nhà bán lẻ, giá sẽ được cộng thêm từ 10 – 12%. Trước khi niêm yết giá bán cho người tiêu dùng đầu cuối, giá được cộng thêm từ 10 – 15%. Như vậy, tính từ giá của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, giá thành sản phẩm đã biến động từ 28 – 41%. Đó cũng là tỷ lệ chung của những nhóm hàng có tên tuổi. Một nguồn tin khác cho biết, giá của những chiếc điện thoại di động được đặt gia công tại Trung Quốc, tính từ khi xuất xưởng đến lúc bán cho người tiêu dùng, giá đã đội lên từ 35 – 50% tuỳ theo mặt hàng và chính sách cạnh tranh của các nhà gia công.
Với nhóm hàng máy tính và linh kiện, ông H., một tay buôn sỉ máy tính xách tay và linh kiện cho biết, với những mặt hàng cơ bản như máy tính xách tay, máy tính bộ để bàn, mainboard, RAM…, sau khi qua nhiều khâu, khung giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao hơn giá nhập khẩu chừng 17%. “Hiện nay nhóm hàng này có sự cạnh tranh gay gắt nên tỷ lệ lợi nhuận không còn cao. Có nhà bán lẻ cho biết, riêng nhóm hàng máy tính xách tay lợi nhuận chỉ 2,2%/tháng. Còn công ty của tôi, tính trong năm 2009, lợi nhuận bình quân khoảng 12%, tương đương với lãi suất ngân hàng”, ông H. chia sẻ thông tin.
Mặt hàng đang “nóng” là tivi LCD, theo nhiều nhà nhập khẩu, độ vênh giá bán và giá nhập khẩu tính bình quân khoảng 30%, nhưng có lúc tăng lên 60 – 80% (đầu năm 2009). Ông Lê, một chuyên gia trong lĩnh vực sản phẩm nghe nhìn bình luận: “Mặt hàng tivi LCD đang được thị trường “kiểm soát” giá nên lợi nhuận không cao, ước chừng mỗi khâu lãi khoảng 3%. Vì giá sản phẩm cao, bình quân khoảng 6 triệu đồng/ chiếc nên mức lợi nhuận như vậy là chấp nhận được”. Còn những mặt hàng điện máy gia dụng, điện tử…, giá nhập khẩu và giá bán chênh nhau khoảng từ 30 – 50%.
Giảm giá nhờ đâu?
Một nhà bán lẻ (đề nghị không nêu tên) giải thích hiện tượng các nhà bán lẻ vào những kỳ mua sắm trong năm thường công bố tỷ lệ mức giảm, thấp là 10%, còn cao có khi lên tới 50%, thậm chí có lúc giảm 60% chỉ là “chiêu để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng rằng những mặt hàng đó đã được giảm giá. Còn khi quyết định mua, bao giờ người tiêu dùng cũng xem giá thực bán là bao nhiêu”.
Qua quan sát trên thị trường, nhóm hàng được công bố tỷ lệ giảm giá cao thường là những mặt hàng tồn cách đây vài năm như máy sấy tóc, bàn ủi, nồi cơm điện, bếp gas, loa… với những tên “na ná” hoặc “nhái” các thương hiệu lớn; hoặc là những mặt hàng có giá trị thấp. Ban đầu, chúng được bán với giá cao, nhưng vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với những mặt hàng của các hãng lớn. Những chiếc bàn ủi ít được biết đến như Hitoshi, Black & Decker cho dù bán với giá cao nhưng cũng chỉ bằng 1/3 giá các thương hiệu lớn như Panasonic hay Philips. “Với những mặt hàng giá trị thấp, chỉ cần bán 30% số lượng nhập hàng (đơn hàng 1.000 chiếc), có thể hạ giá 30% mà vẫn có lãi. Nếu bán được 60% số lượng hàng, lượng hàng còn lại có thể hạ tới 60% mà vẫn còn lãi”, một nhà kinh doanh hàng điện máy nói như vậy.
Nhiều siêu thị giảm mạnh giá bán hàng sau một thời gian bán hàng với giá cao đảm bảo đủ lợi nhuận.
Với những mặt hàng có giá trị lớn, mức độ cạnh tranh cao như tivi LCD, máy lạnh, tủ lạnh, máy tính xách tay, điện thoại di động…, các nhà bán lẻ công bố giảm với tỷ lệ thấp, thông thường chỉ 10 – 20%. Không thể phủ nhận nỗ lực của các nhà bán lẻ như Nguyễn Kim, Thiên Hoà, Chợ Lớn, Phan Khang… trong việc đưa khoản thưởng (đạt doanh số bán hàng do các hãng sản xuất quy định), huy động nhà sản xuất hỗ trợ chi phí tiếp thị, tỷ lệ bù đã được thoả thuận giữa nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ… để bù vào giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng nhưng giá thực tế chính là mức giá mà các nhà bán lẻ đã tính toán để bán hết hàng nhưng không bị lỗ, ít nhất là không lãi.
“Có những lúc tôi bán đúng với giá gốc, nghĩa là không có lãi nhưng xét cả lô hàng đó, không có lỗ”, ông Hùng, phụ trách kinh doanh của chuỗi siêu thị máy tính B. tiết lộ. Dù trên sổ sách (căn cứ theo hoá đơn), giá một chiếc tivi LCD 32 inch của hãng C là 7,5 triệu đồng nhưng vì đây là model không còn sản xuất nữa nên nhà nhập khẩu A. đã khấu trừ tiền để có giá cuối cùng là 6,7 triệu đồng. “Giảm giá như vậy để bán hết hàng. Trước đó đã bán model này với giá 8,7 triệu đồng nên không thể lỗ được. Giá thực tế luôn được cân đối với tỷ lệ hàng còn lại trong kho của nhà nhập khẩu. Nghĩa là giá bán sẽ căn cứ theo tỷ lệ hàng hoá còn lại”, một nhà kinh doanh hàng điện máy nói như vậy.
Theo SGTT