Ngăn chặn tội phạm mua bán người – Bài 2

Cập nhật: 22-09-2023 | 07:49:12

Bài 2: “Nghĩ trước, bước sau” để không trở thành nạn nhân

“Nghĩ trước, bước sau” chính là thông điệp mà cơ quan chức năng khuyến cáo để người dân không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (MBN). Mỗi người dân cần tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm MBN và giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Ngăn chặn từ trong “trứng nước”

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống MBN của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ “quyền con người” và “an ninh con người”. Trong đó, Công an tỉnh đang triển khai hiệu quả các kế hoạch phòng, chống MBN.


Các trinh sát hình sự Công an tỉnh đấu tranh với một nghi phạm mua bán người Ảnh: CABD

Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã xây dựng và triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn vị tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp phòng ngừa xã hội nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm MBN hoạt động liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia. Song song đó, Phòng Cảnh sát hình sự chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tội phạm như massage, karaoke… nhằm phòng, chống tội phạm MBN.

“Cùng với lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN để tự bảo vệ mình và người thân. Các chị em gái cần tìm hiểu thông tin việc làm trước khi ứng tuyển, phải “nghĩ trước, bước sau”, tuyệt đối không nhẹ dạ, cả tin với những hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” và không ký giấy vay nợ cho bất kỳ ai khi được giới thiệu việc làm”, thiếu tá Võ Văn Sơn nhấn mạnh.

Hiện nay, các lực lượng chức năng đang tăng cường quản lý, kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nhằm phòng, chống tội phạm nói chung và MBN nói riêng lợi dụng ngành nghề này để hoạt động phạm pháp. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 200 cơ sở kinh doanh massage. Trong 7 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính đã kiểm tra 159 lượt cơ sở massage, qua đó đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 66 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với 10 cơ sở do để xảy ra hành vi kích dục cho khách.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết hiện nay các sàn giao dịch việc làm các tỉnh thường liên kết để hỗ trợ nhau và làm việc với quy trình chặt chẽ nên người cần tìm việc chỉ cần làm hồ sơ đến sàn giao dịch nộp, khi có việc phù hợp thì nhân viên sàn giao dịch sẽ gọi điện thoại thông báo. “Để tránh nguy cơ bị lừa, người tìm việc cần tìm hiểu rõ tên công ty, địa chỉ, vị trí tuyển; khi nộp hồ sơ dự tuyển phải có số điện thoại của bộ phận nhân sự phụ trách thu nhận hồ sơ. Đồng thời, người tìm việc cũng thông báo đến người nhà biết để khi cần hỗ trợ và tránh tình trạng lên mạng “âm thầm tìm việc” sẽ rất dễ bị lừa.

“Các sàn giao dịch việc làm hoặc trung tâm hỗ trợ việc làm không thu phí của người xin việc. Vì vậy, người xin việc cần lưu ý khi đi xin việc mà một đơn vị nào đó thu phí giới thiệu thì cần báo ngay cho chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.

Kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ yếu thế

Cùng với ngành công an, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ công nhân lao động, nhất là lao động nữ bị mất việc sớm có việc làm, không để đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ. Nói về công tác này, bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, chia sẻ hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn chung nên người lao động tìm việc khó. Lợi dụng đặc điểm này, các đối tượng thường vẽ ra công việc nhẹ có thu nhập hấp dẫn rồi đăng liên tục vào các nhóm mạng xã hội. Do cần thu nhập để trang trải cuộc sống nên một số lao động nữ tự do thường bị lừa vào làm những việc không như thỏa thuận ban đầu.

Nắm được tình hình trên, LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để thông báo rộng rãi thông qua các trang thông tin chính thống của công đoàn tỉnh và cơ sở. Mặt khác, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình người lao động thông qua công đoàn cơ sở để có biện pháp hỗ trợ, động viên kịp thời các lao động bị mất việc, đặc biệt là lực lượng lao động nữ để họ không bị các đối tượng xấu lừa khi tìm việc.

Song song đó, với hoạt động tư vấn pháp luật tại công đoàn, LĐLĐ tỉnh thường xuyên xuống tận các khu trọ để tuyên truyền pháp luật cho người lao động. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giúp cán bộ công đoàn nắm bắt tâm tư nguyện vọng và kịp thời trao đổi với chính quyền địa phương về việc hỗ trợ người lao động tránh xa các “bẫy việc làm” tiềm ẩn nhiều rủi ro do đối tượng xấu dụ dỗ.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) tỉnh cũng có nhiều hoạt động truyền thông nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp chị em tự bảo vệ bản thân và gia đình trước tội phạm nói chung và MBN nói riêng. Bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2022-2027”. Đề án này hiện đang được triển khai đến tận các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với các đối tượng thụ hưởng là hội viên phụ nữ; cha mẹ có con dưới 16 tuổi; đồng thời chú trọng đến đối tượng nữ công nhân lao động, phụ nữ khó khăn, phụ nữ hoàn lương.

“Song song đó, việc nhân rộng các mô hình như Phụ nữ với pháp luật; phòng chống xâm hại trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình… đang góp phần kéo giảm các vụ việc xung đột trong gia đình cũng như giúp các bậc phụ huynh biết quan tâm đến con em mình và tránh được sự lôi kéo từ các đối tượng xấu…”, bà Huỳnh Thị Thúy Phương cho biết thêm. (còn tiếp)


Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người cho hội viên để nâng cao tinh thần cảnh giác

Ngày 24-6-2023, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ đã ban hành Văn bản số 2053/BCĐ138/CP về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống MBN và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7)”. Theo đó, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống MBN nói riêng. Từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác định công tác phòng, chống MBN là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài; cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ phù hợp với từng đơn vị; tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống MBN; hưởng ứng đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và tấn công trấn áp tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 1-7 đến 30-9).

N.HẬU - Q.ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên