Ngân hàng “chuyển hướng” về vùng sâu

Thứ tư, ngày 26/01/2011
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Không ít ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang tìm cách mở rộng thị trường hoạt động về với địa bàn vùng sâu, vùng xa, đó là một xu hướng mới trong một năm trở lại đây.

Hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua đã góp phần tích cực vào thành tựu kinh tế chung của tỉnh, việc khai trương nhiều chi nhánh, phòng giao dịch (PGD) sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận các sản phẩm dịch vụ vốn vay và các sản phẩm NH tiện ích, đặc biệt tăng thêm nguồn lực phát triển kinh tế.

 

Lĩnh vực tài chính tín dụng các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát được đánh giá rất nhiều tiềm năng

Thế nhưng, quá trình chạy đua mở rộng mạng lưới của các TCTD hiện nay chưa cân đối, chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm huyện, thị, nơi dân cư đông đúc mà chưa chú ý tới địa bàn nông thôn. Theo số liệu thống kê cho thấy thứ tự ưu tiên đầu tư cho việc phát triển và mở rộng mạng lưới PGD, điểm giao dịch và Quỹ tiết kiệm của các NH chưa đồng đều và theo thứ tự giảm dần. Nếu như huyện Dĩ An, Bến Cát, TX.TDM là 3 địa bàn có số điểm giao dịch đã đạt con số 21 điểm thì số lượng PGD địa bàn Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo trên mỗi địa bàn còn khiêm tốn.

Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu nhận xét, tuy thời gian qua, các TCTD đã đáp ứng kịp thời vốn tín dụng và cung ứng dịch vụ tài chính NH cho các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư thuộc mọi thành phần kinh tế, nhưng sự phát triển này hiện cũng bộc lộ nhiều tồn tại, đó là mạng lưới NH khá dày đặc và tập trung ở khu vực thị xã, nên hoạt động của các TCTD cũng gặp không ít khó khăn.

Kinh tế các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên ngày càng phát triển khả quan. Số liệu thống kê mới nhất của Sở Công Thương cho thấy, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2010, xu hướng đầu tư sản xuất công nghiệp vào các huyện này liên tục tăng và đạt tốc độ tăng trưởng rất cao. Chính vì vậy, thời gian gần đây, những NHTM lớn như BIDV, Sacombank, một vài NHTM cổ phần quy mô nhỏ đã nhanh chân chiếm lĩnh thị phần. Chỉ trong vòng 3 năm hoạt động tại Bình Dương, nhưng NHTM Cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) Chi nhánh Bình Dương đã sở hữu 5 PGD gồm PGD Thủ Dầu Một (TX.TDM); Tân Phước Khánh (Tân Uyên); Phước Vĩnh (Phú Giáo); Sóng Thần (Dĩ An) và Mỹ Phước (Bến Cát). Hiện các NHTM cổ phần như Seabank, VPBank, Sài Gòn Công thương, NamABank, MB đều đang “dòm ngó” và trong số này đã lên kế hoạch mở thêm PGD tại các thị trường tài chính tín dụng tiềm năng này. Giám đốc NHTM Cổ phần Gia Định Nguyễn Thanh Tùng cho biết, với vai trò là đơn vị trung chuyển tiền tệ nhằm giúp các thành phần kinh tế và hộ cá thể có thêm điều kiện về nguồn vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, sau khi ổn định hoạt động, xu hướng mở rộng mạng lưới về với khách hàng vùng sâu, vùng xa là điều NH không thể bỏ quên.

Tất nhiên, không hẳn tất cả những NHTM mở thêm chi nhánh, PGD hay Quỹ tiết kiệm ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa là có lợi nhuận tức thì, mà là nằm trong kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động của họ và đón đầu cơ hội. Vì vậy, xu hướng chuyển dịch từ thành thị về nông thôn đang ngày càng rõ nét hơn, Giám đốc NH Cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) Trần Bửu Lâm nhận định.    

THANH HỒNG