Hoạt động sản xuất phục hồi, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng. Trước nhu cầu đó, các ngân hàng thương mại cũng tăng cường huy động vốn, thu hút nguồn tiền tiết kiệm.
Trong 3 tháng đầu năm nguồn vốn huy động của các ngân hàng tăng trưởng khá. Trong ảnh: Giao dịch tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương
Kịp thời đáp ứng vốn
Sau thời gian ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) đã cơ bản phục hồi. Cùng với đó các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có những tín hiệu khả quan. Ðáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh cho khách hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp tăng nguồn cung tín dụng.
Là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho DN, tính đến hết tháng 3-2021, tổng dư nợ cho vay của Vietcombank Bình Dương đạt 13.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ đối với khách hàng DN chiếm 65%. Xác định các DN trên địa bàn tỉnh có tới 80% là DN vừa và nhỏ, Vietcombank Bình Dương tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với khách hàng này bằng chính sách tín dụng ưu đãi, điển hình là chương trình lãi suất cạnh tranh, cho vay lĩnh vực ưu tiên… Đây là các gói tín dụng được Vietcombank Bình Dương triển khai xuyên suốt nhiều năm qua, áp dụng cho cả khách hàng mới và truyền thống. Chương trình bảo đảm cho DN vừa và nhỏ được hưởng mức lãi suất thấp hơn lãi suất niêm yết từ 1,5 - 4,7%/năm.
“Đối với DN mới giao dịch, Vietcombank Bình Dương triển khai thêm nhiều loại sản phẩm hỗ trợ như cho vay lãi suất cạnh tranh, lãi suất thỏa thuận, lãi suất đặc biệt. Trong đó, các gói lãi suất, phí được áp dụng cạnh tranh hơn so với khách hàng hiện hữu, điều kiện về doanh thu, sản phẩm dịch vụ cũng được ngân hàng vận dụng linh hoạt”, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương cho biết.
Đồng hành cùng khách hàng trong thời điểm khó khăn, từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV Bình Dương đã triển khai giảm lãi suất vay cho 42 DN, tổ chức kinh tế và nhiều khách hàng cá nhân với tổng dư nợ 2.352 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 16 DN và hơn 40 khách hàng cá nhân với dư nợ 1.636 tỷ đồng. Thực hiện định hướng đầu tư, chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, BIDV cũng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, chủ động điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung nguồn vốn cho vay đối với DN sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu. ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Bình Dương, cho biết bám sát kế hoạch kinh doanh 2021 theo diễn biến thị trường, hiện BIDV đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo hướng ưu tiên dành nguồn lực cho phân khúc khách hàng bán lẻ và DN vừa và nhỏ. Với sự tiếp cận và khuyến khích tăng trưởng tín dụng, đến nay BIDV Bình Dương đã giải ngân 46 hợp đồng tín dụng các loại với tổng nguồn vốn cho vay là 1.216 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với năm 2020.
Ngoài hỗ trợ lãi suất cho DN, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng khác tại địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng các giải pháp hỗ trợ DN như tư vấn quản trị, xây dựng chiến lược kinh doanh, đa dạng các sản phẩm dịch vụ, tạo điều kiện để DN có cơ hội gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư, đồng thời tăng cường nguồn cung tín dụng.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, đến cuối tháng 3-2021, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã huy động tổng nguồn vốn 235.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng dư nợ 233.000 tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. “Hiện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Cùng với đó là tiếp tục phối hợp với các địa phương, các hiệp hội DN để tháo gỡ, xử lý các kiến nghị, tạo điều kiện, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN đối với hệ thống ngân hàng”, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương cho biết.
Nhiều giải pháp huy động
Trong quý I, trước động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cùng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn chưa diễn ra mạnh mẽ. Lãi suất huy động ngân hàng bắt đầu nhích lên sau một thời gian dài thực hiện giảm lãi suất. Hiện có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1 - 0,2%/năm, thậm chí có ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn thêm từ 0,4 - 0,7%/năm. Theo mặt bằng chung hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng dao động từ 4,9 - 8,2%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng lãi suất từ 3,7 - 6%/ năm, 6 tháng lãi suất huy động cao nhất là 4%/năm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn có biểu lãi suất dành cho hình thức gửi tiết kiệm online, internet banking hoặc mobile banking cao hơn so với hình thức tiền gửi tại quầy truyền thống khoảng từ 0,1 - 0,4%/năm.
Đánh giá của một số lãnh đạo ngân hàng, cho biết lãi suất huy động nếu ở mức thấp trong một thời gian dài sẽ khiến dòng vốn có xu hướng chuyển dịch vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, gây áp lực lên lạm phát. Do đó, các ngân hàng phải cân đối biểu lãi suất huy động để thu hút dòng vốn nhàn rỗi. Nguồn vốn này là cơ sở để các tổ chức tín dụng tiếp tục kịp thời cung ứng vốn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh.
THANH HỒNG