Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2010 là 25% trong khi sáu tháng đầu năm chỉ đạt 10,52%. Đây là áp lực lớn cho các ngân hàng, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong hai quý cuối năm được dự báo sẽ không tăng trưởng mạnh như năm trước. Để giải tỏa áp lực, các ngân hàng đã đẩy mạnh tín dụng cho xuất khẩu.
Dành nhiều ưu đãi cho xuất khẩu
Một số ngân hàng cho biết, cái khó hiện nay là chưa thể cắt giảm mạnh lãi suất đầu vào, trong khi doanh nghiệp muốn được vay với chi phí thấp nhất. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND từ đầu tháng 4-2010 đã giảm, tuy mức giảm chưa mạnh vì tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng dư nợ tín dụng. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 12,5-13%/năm, cho vay trung và dài hạn khoảng 14%/năm (tương ứng với lãi suất cùng kỳ năm 2006, 2007).
Khách hàng đang giao dịch tại Vietinbank.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, lãi suất vay 13-14%/năm vẫn còn cao vì khả năng sinh lời trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lúc này chưa hẳn đã bù được lãi vay.
Để phát triển tín dụng và cũng là để thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã cắt giảm lãi suất cho vay thỏa thuận xuống mức thấp nhất còn 11%-12,5%/năm dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bùng nổ đầu tiên là Vietinbank, ngân hàng này đã quyết định dành 30.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay chỉ với lãi suất 11%/năm, giảm 1,5% so với lãi vay thông thường mà VietinBank đang áp dụng cho khách hàng. Bên cạnh đó, chương trình còn có các chính sách hỗ trợ khác về sản phẩm, về cung cấp dịch vụ trọn gói và tư vấn…
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank cho biết, hiện nay các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu là đối tượng khách hàng được các ngân hàng quan tâm dành vốn giá rẻ. Vietinbank cũng kỳ vọng vào tín dụng xuất khẩu vì nhu cầu vốn sẽ tăng khi lãi suất giảm xuống và hiện cầu vốn trung, dài hạn vẫn chưa có dấu hiệu tăng.
Ưu đãi trong phạm vi hẹp hơn, nhưng cũng được đánh giá là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc dành ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu, Sacombank cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia được hưởng lãi suất vay VND tối thiểu 12%/năm. Đồng thời, khách hàng được hỗ trợ giảm 30% phí chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia kể từ nay đến hết 31-12-2010. Các đối tác nhập khẩu của các doanh nghiệp này tại Campuchia cũng được hưởng lãi suất vay USD tối thiểu 8%/năm (hiện nay, mức lãi suất vay USD trung bình tại Campuchia là từ 10-12%/năm).
Còn Eximbank tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VND” với lãi suất được áp dụng cho các nhà xuất khẩu kể từ giữa tháng 7 là 12%/năm. Ngân hàng này dự kiến sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho vay chương trình này. Với mục tiêu tín dụng trong năm nay tăng khoảng 50% so với năm trước, Eximbank kỳ vọng sẽ hoàn tất trước khi tài khóa 2010 kết thúc, nhằm đạt được kế hoạch lợi nhuận 2.200 tỷ đồng.
HDBank thì cho vay tín chấp xuất khẩu với lãi suất 12%/năm. Ngân hàng này còn chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất đối với thư tín dụng (L/C) trả ngay với mức chiết khấu đến 95% giá trị bộ chứng từ. Tổng hạn mức mà HDBank tài trợ dành cho khách hàng xuất khẩu là 500 tỷ đồng.
Kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng
Đánh giá về tín dụng xuất khẩu nói riêng, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong những tháng còn lại năm 2010 nói chung, một cán bộ trong ngành ngân hàng cho rằng, tín dụng khó tăng trưởng đột biến thời gian còn lại của năm nay. Nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng chậm chạp này là do các doanh nghiệp đang bị "kẹt" đầu ra. Thống kê cho thấy, đến thời điểm 30-6/-010, có đến 1/6 lượng hàng công nghiệp tồn kho, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái nên trước mắt, khu vực sản xuất - kinh doanh khó hấp thụ được thêm lượng vốn lớn trong thời gian ngắn, dù lãi suất đã giảm.
Bên cạnh đó, do thị trường thế giới đang bị biến động trước tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực để dành ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn ngại vay. Hơn nữa, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng chủ yếu mang tính chất ngắn hạn để mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân viên, chứ không phải để mua máy móc, thiết bị. Còn đối với các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư dài hạn, mức lãi suất hiện nay vẫn là một áp lực.
Mặt khác, theo lý giải của các ngân hàng, dư nợ khó tăng một phần cũng do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng, vì nợ thuế, nợ quá hạn, trình độ quản lý không cao… Do đó, dù các ngân hàng rất muốn mở rộng quy mô cho vay cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Là đơn vị chuyên về xuất khẩu mặt hàng nông sản cà phê, nhưng Tập đoàn Thái Hòa vẫn đang phải đi vay ngân hàng với lãi suất 14%, thậm chí 15%/năm. Ông chủ doanh nghiệp này phân trần, dù đơn vị nằm trong diện ưu tiên: Xuất khẩu và hàng nông sản nhưng do không đáp ứng đủ được các điều kiện của ngân hàng nên chưa thể tiếp cận được với lãi suất 12%/năm.
Doanh nghiệp đưa ra ví dụ, một số ngân hàng quy định, các doanh nghiệp tham gia chương trình ưu đãi cần đáp ứng đủ các điều kiện như: Doanh nghiệp/người điều hành của doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh hàng xuất khẩu từ 2 năm trở lên, có cách thức quản lý bán hàng, thu hối tiền xuất khẩu tốt; có hợp đồng xuất khẩu thuộc phương án vay vốn, trong đó thỏa thuận thanh toán bằng ngọai tệ qua tài khoản của khách hàng tại ngân hàng (ngoại trừ vay chiết khấu). Đồng thời khách hàng phải có cam kết thanh toán toàn bộ hàng xuất khẩu; bán toàn bộ ngoại tệ thu được từ hợp đồng xuất khẩu đã vay vốn chương trình cho ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất là tín hiệu mừng, nhưng niềm vui thì chưa đến với đa số các doanh nghiệp. Vì mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp là tiêu thụ được sản phẩm với sức cạnh tranh cao. Nhưng hiện tại so với mặt bằng chung thì các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn phải chịu lép vế rất nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài chỉ xét riêng về chi phí tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, xét cho cùng thì các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nghĩa là họ phải cân đối được lợi nhuận thì mới cho vay ra. Trong lúc này, nguồn vốn huy động vẫn chưa thực sự dồi dào nên ngân hàng khó có thể đáp ứng hết nhu cầu khát vốn của doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Tình hình kinh tế vĩ mô được đánh giá là đang diễn biến tốt dần lên, nhưng phải đến khi các chỉ số vĩ mô thực sự ổn định thì luồng vốn sẽ mới được khơi thông.
Theo TTXVN