Ngân hàng - doanh nghiệp kết nối, phục hồi sản xuất, kinh doanh - Kỳ II

Cập nhật: 01-06-2020 | 09:06:19

Kỳ II: Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì?

 Trong bối cảnh khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đa số DN vẫn cần các chính sách hỗ trợ triển khai nhanh chóng, hiệu quả và thiết thực hơn.

 

Tháo gỡ nhanh những vướng mắc về vốn sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất máy phát điện tại Công ty Sáng Ban Mai

 Tự thân vượt khó

Nhiều DN tại Bình Dương đã và đang nỗ lực vượt qua thách thức. Chủ động có các giải pháp, sáng kiến để ứng phó như cơ cấu lại sản xuất, áp dụng giờ làm việc linh hoạt, cắt giảm chi phí, phát triển sản phẩm mới phù hợp thị hiếu, nhu cầu thực tế… và đã có nhiều DN vững vàng trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, để tồn tại DN đã phải áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó, phải thật sự thắt lưng buộc bụng và nghĩ đến mục tiêu lâu dài. Chính vì làm được điều này nên Sáng Ban Mai đã tích lũy được nguồn vốn từ các năm trước, bù đắp những thiếu hụt, chưa bao giờ chậm lương công nhân. Điều này không phải đơn vị nào cũng làm được. Ông Trọng cho biết, mục tiêu hoạt động của DN là vì tinh thần người Việt không để khó khăn quật ngã. Ông lên dây cót tinh thần cho toàn thể bộ máy, tiết giảm tối đa chi phí, giám đốc cũng cắt giảm lương thưởng. Đồng thời, sắp xếp bộ máy làm việc tinh gọn, hiệu quả hơn. Với nhiều người nghĩ sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì ngừng sản xuất, song ông Trọng lại nghĩ khác. “Kinh tế lại khởi sắc, DN sẽ phục hồi khi dịch bệnh qua đi. Trong dịch bệnh, công nhân chúng tôi vẫn làm việc bình thường, dây chuyền vẫn sản xuất, chúng tôi chấp nhận để hàng tồn kho vì không thể đứng yên đó. Đến nay, thị trường tiêu thụ nội địa đã hồi phục 80%, xuất khẩu bắt đầu có tín hiệu tích cực đối với những DN cùng ngành”, ông Trần Thành Trọng phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc cho rằng, dù ở hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích người lao động lên trên hết, càng khó khăn càng phải nghĩ đến họ. Ngay cả khi khách hàng chưa trả tiền, sản xuất đình trệ, công ty vẫn ứng ra để trả lương, cố gắng tìm việc cho công nhân làm, không để họ thiệt thòi nên ai cũng muốn gắn bó. Vì thế, công ty vẫn luôn ổn định nguồn lao động.

Đối với Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty Cổ phần tại KCN Quốc tế Protrade, để giữ chân 2.450 lao động tại 2 đơn vị sản xuất, DN đang tìm mọi cách duy trì hoạt động. Trong đó, trích quỹ dự phòng, tạm thời trích lợi nhuận của cổ đông trang trải các chi phí hoạt động; tạm hoãn hỗ trợ lương cho các trường hợp nghỉ, dưỡng bệnh theo chế độ; sắp xếp lại quy trình sản xuất… Bên cạnh đó, DN tăng cường tìm kiếm nguồn hàng, thị trường tiêu thụ mới đồng thời vẫn duy trì việc làm cho công nhân bằng cách chuyển hướng sản phẩm may thêm khẩu trang để cung ứng cho thị trường. Điều đó cho thấy, đơn vị luôn năng động, trụ vững trước khó khăn.

Thực tế cho thấy, trong nguy có “cơ”, đây cũng là thời điểm để DN tự thay đổi bằng những kịch bản ứng phó tích cực. Gốm sứ Minh Long I là một trong những DN có giải pháp ứng phó khá tốt với đại dịch khi nghiên cứu cho ra dòng sản phẩm mới là ly giữ nhiệt có nắp nhựa, bán rất chạy. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, chia sẻ: “Công ty đang có ý định chuyển hướng sản xuất, tập trung vào những sản phẩm đổi mới sáng tạo và tốt cho sức khỏe. Trước đây là bộ nồi sứ dưỡng sinh nay là ly sứ giữ nhiệt và sắp tới tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm hộp đựng đồ ăn mang theo, phù hợp trong tình hình dịch bệnh cần sự an toàn vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, Minh Long còn muốn làm ra những sản phẩm khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Ngành gốm sứ cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường, nhất là thị trường nội địa, đa dạng hóa giải pháp bán hàng để thích nghi trong thời dịch bệnh”.

Gỡ vướng từ chính sách

Theo đánh giá của các DN, điểm tích cực của các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, cho vay hỗ trợ… là rất kịp thời ở giai đoạn này. Tuy nhiên, đa số DN cho rằng, các gói hỗ trợ tín dụng DN vẫn chưa đến tay DN nhiều. Để bảo đảm hiệu quả đồng vốn các ngân hàng đưa ra quy định rất chặt chẽ, việc cho vay cần nhiều thời gian khiến DN rất khó tiếp cận chính sách tín dụng. Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nói: “DN khó được hưởng chính sách từ gói vay ưu đãi 16.000 tỷ đồng theo Thông tư 05 của Ngân hàng Nhà nước. Bởi thủ tục để được vay là báo cáo tài chính năm 2019 và quý I-2020, khi không đủ trả tiền lương cho người lao động thì mới được duyệt vay. Quy định này không phù hợp thực tế vì dịch bệnh bắt đầu từ tháng 3-2020. Do đó, chứng minh tài chính như quy định là không cần thiết”.

“Thời gian giảm lãi, giãn nợ vay cho DN trong quý I-2020 là chưa đủ, cần tăng thời gian theo chu kỳ 3-6-9 tháng để tiếp sức DN. Ngoài ra, với tài sản thế chấp trở thành nút thắt khó gỡ”, ông Trần Thành Trọng kiến nghị. Trong khi đó, Nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng chưa thực sự đáp ứng nguyên vọng của DN. “Nguyên nhân chi phí thuê đất chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu vốn sản xuất. Mặt khác, đối với các DN ngành gỗ, việc trả tiền thuê đất thường đã được thực hiện hiện từ đầu năm hoặc cho giai đoạn 3 đến 5 năm, vì vậy chưa phù hợp thực tiễn”, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long nói.

Nút thắt về vốn “không có tài sản bảo đảm - không được duyệt vay vốn - không mở rộng được sản xuất - không tăng doanh thu - không có thêm tài sản bảo đảm - không được duyệt vay vốn - thủ tục nhiêu khê… trở thành những rào cản khiến không ít DN không nắm bắt được cơ hội kinh doanh, phục hồi sản xuất. (Còn tiếp)

 Ông Vũ Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng U&I: DN xây dựng cần vốn trung, dài hạn

DN ngành xây dựng cần thời gian chuẩn bị các thủ tục pháp lý cho dự án ít nhất 9 tháng. Trong khi đó, doanh thu từ các dự án triển khai đang sụt giảm nghiêm trọng. DN rất cần ngân hàng tiếp tục tăng thời gian cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các tháng tới đây. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh giảm lãi vay phù hợp ngành nghề và rót vốn trung dài hạn phù hợp nhu cầu vốn DN.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Nhân sự - Hành chính Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty Cổ phần: Chính sách cần linh hoạt, sát thực tế

Hiện tại DN vẫn chưa được tiếp cận chính sách ưu đãi về gia hạn đóng bảo hiểm xã hội do vướng quy định phải giảm 50% lao động. Đây là điều không thể vì DN dù thiếu đơn hàng nhưng vẫn phải duy trì số lượng người lao động phục vụ sản xuất. Chúng tôi mong muốn giãn thời gian gia hạn đóng bảo hiểm xã hội đến ngày 31-12-2020 nhằm tạo điều kiện cho DN duy trì sản xuất.

Ông Đào Cảnh Tuất, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bệnh viện Vạn Phúc: Lĩnh vực y tế có nhiều dự án đầu tư nhưng thiếu vốn

Hiện nay, các DN trong lĩnh vực y tế có rất nhiều dự án đầu tư nhưng đa phần là thiếu vốn. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi về vốn để DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Bình Dương cần nghiên cứu chính sách mới để thu hút thêm nhiều DN đầu tư lĩnh vực này.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=378
Quay lên trên