Vốn khả dụng của các NHTM trước Tết dư thừa khoảng 13.000 tỷ đồng và hiện nay khoảng 30.000 tỷ đồng. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu loại trừ khả năng tác động của nhân tố tiền tệ tới gia tăng lạm phát trong 2 tháng qua.
Nguồn tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Theo quy luật hàng năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp khó khăn về thanh khoản trong dịp giáp tết Nguyên đán Canh Dần, NHNN đã tăng lượng tiền cung ứng với kỳ hạn thích hợp cho các đối tượng này, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, mở rộng cho vay chi phí sản xuất, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Sau tết Nguyên đán, do tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng lên, số tiền cung ứng trên (34.000 tỷ đồng) đã được thu về, ít tác động đến lạm phát - một yếu tố có chiều hướng diễn biến tỷ lệ thuận với mức cung tiền (tức cung tiền càng nhiều thì lạm phát càng tăng và ngược lại).
“Vốn khả dụng của các NHTM trước Tết dư thừa khoảng 13.000 tỷ đồng và hiện nay khoảng 30.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Thống đốc NHNN cũng loại trừ khả năng tác động của nhân tố tiền tệ, cụ thể là tín dụng ngân hàng, tới sự gia tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm nay.
Bởi theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Nhân tố tiền tệ tác động tới giá cả là bội chi ngân sách nhà nước và tín dụng nhân hàng, nhưng tín dụng ngân hàng đã được kiểm soát ở mức thấp từ những tháng cuối năm 2009, cho nên tác động đối với giá cả hàng hóa không lớn so với các nhân tố khác.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng (giá dầu thô tăng 24,9% so với giá trung bình năm 2009, sắt thép tăng 4,3%, gạo tăng 11,2%...).
Với độ mở nền kinh tế cao (kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP cuối năm 2009 khoảng 135%), giá cả hàng hóa thế giới đã tác động làm tăng giá cả trong nước.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng và sức mua tăng mạnh trong dịp tết Nguyên đán, biểu hiện là tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 27,4% (nếu trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 19,36%, gấp 4 lần số với cùng kỳ năm 2009 - 4,47%), nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đóng góp 63% vào mức tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng.
Thống đốc NHNN nhận định: Giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng ở mức khá cao trong những tháng đầu năm nay, nhưng so với cùng kỳ các năm gần đây, chưa phải là đột biến.
Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu làm giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng là do tác động của giá cả hàng hóa thế giới, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần và việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu...
(Theo DÂN TRÍ)