Ngân hàng giảm lãi vay, kích cầu tín dụng mùa cao điểm

Cập nhật: 06-11-2023 | 07:45:32

Theo thông lệ hàng năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều tăng vào dịp cuối năm, nhưng năm nay ngược lại, các ngân hàng thương mại (NHTM) lại đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất vay thấp, chỉ từ 5 - 9%/năm.

 

Các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm bơm vốn cho nền kinh tế vào dịp cuối năm. Trong ảnh: Giải ngân vốn tín dụng cho khách hàng tại Vietcombank Bình Dương

 Hạ lãi vay

Sacombank cho biết vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5%/năm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (SXKD) cuối năm. Trong đó, với khách hàng cá nhân, ngân hàng này dành gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay phục vụ SXKD ngắn hạn, lãi suất từ 6%/ năm. Với khách hàng doanh nghiệp (DN), ngân hàng có gói tín dụng 7.000 tỷ đồng cho vay phục vụ SXKD ngắn hạn, lãi suất từ 5%/năm. Cùng với mức lãi suất cạnh tranh, khách hàng tham gia gói tín dụng mới của Sacombank còn được vay với hạn mức cao dựa trên tài sản bảo đảm đa dạng, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.

Tương tự, từ nay tới ngày 31-12, HDbank, triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành riêng cho DN mới vay, lãi suất từ 6,4%/năm. Ngân hàng còn chấp nhận tỷ lệ cho vay cao dựa trên tài sản bảo đảm, phương án bảo đảm vốn vay đa dạng. Vietbank cũng đang triển khai nhiều combo sản phẩm dịch vụ với lãi suất ưu đãi từ 5,8%/năm. Riêng khách hàng có khoản vay hiện hữu tại Vietbank, nếu đăng ký vay thêm sẽ được giảm lãi vay thêm đến 0,5%/năm. Còn với khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, có thể vay tại Vietbank với lãi suất chỉ từ 5,3%/năm.

Hiện các NHTM lớn như BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank đều ồ ạt hạ lãi suất ở hầu hết các chương trình tín dụng. Lý do hạ lãi suất, theo đại diện các ngân hàng là để đẩy dòng vốn ra thị trường, giúp DN bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động cũng như nguồn vốn trung dài hạn phục vụcác phương án, dựán sản xuất, kinh doanh.

Thúc đẩy nhu cầu tín dụng

Thông tin lãi suất vay hạ nhiệt đáng kể, cùng điều kiện vay cởi mở hơn trước đang mở ra kỳ vọng cho người vay. Bà Trần Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Điền (TP.Thủ Dầu Một), cho rằng đây là tín hiệu tích cực. “Thời gian qua, lãi suất huy động giảm chậm kéo lãi suất cho vay khó giảm, chúng tôi rất lo lắng. Chưa kể, các ngân hàng kèm theo các điều kiện vay rất gắt gao nên việc tiếp cận vốn của DN rất khó khăn. Hiện nay, khi các ngân hàng dần hạ lãi suất, hy vọng vốn sẽ thông suốt vào hoạt động SXKD”, bà Yến nói.

Bà Trần Thị Mỹ Dung, đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm An Khang, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, chia sẻ vào mùa vụ cao điểm DN cần nhiều vốn, mong được giải ngân vốn ngay để đáp ứng hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu. Do đó, bà Dung cho rằng phía ngân hàng cần phải có chính sách nới rộng theo tình hình hoạt động của DN. “Hiện nay, đối với chính sách cho vay bằng tài sản thế chấp không phù hợp với mô hình SXKD của DN xuất khẩu”, bà Dung cho hay.

Dù triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng các ngân hàng nhìn nhận việc đẩy vốn tín dụng trong thời điểm này không dễ khi nhu cầu vay yếu. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Bình Dương, chỉ ra nguyên nhân là do tình hình kinh tế suy giảm dẫn đến DN không bán được hàng trong nước, đơn hàng xuất khẩu cũng sụt giảm do cầu thế giới vẫn giảm. Bởi vậy, DN không sẵn sàng vay vốn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 9 dư nợ tín dụng toàn địa bàn đạt 298.382 tỷ đồng, tăng 4,48% so với đầu năm, còn thấp so với mục tiêu tăng tín dụng 14 - 15% trong năm 2023.

Trước tình hình này, về chính sách vay, Vietcombank vừa giảm lãi suất cho vay 0,5%/ năm với VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và DN. Thời gian áp dụng đến hết năm 2023. Trước đó, Vietcombank đã triển khai 2 lần giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Ngoài ra, ngân hàng đã thành lập 2 phòng khách hàng nhằm chuyên môn hóa trong công tác phục vụ. Theo đó, có quy trình, quy định và chính sách tín dụng phù hợp với từng loại hình, quy mô, phân khúc khách hàng DN.

Ngoài ra, một trong những yêu cầu quan trọng cũng được sửa đổi là quy định về tỷ lệ tài sản thế chấp phù hợp. Vietcombank không yêu cầu phải có tài sản thế chấp toàn bộ khoản vay, mà miễn/giảm điều kiện thế chấp tài sản là hàng tồn kho, khoản phải thu đối với các khách hàng đáp ứng điều kiện của Vietcombank trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, còn một số quy trình khác cũng được giảm thiểu như đơn giản hồ sơ, quy trình phối hợp sớm trong công tác phê duyệt tín dụng; sản phẩm thanh toán trong nước, nước ngoài trên kênh số… đều được Vietcombank tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Liên quan đến vấn đề nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết: “Chỉ đạo xuyên suốt của ngành ngân hàng thời gian qua là yêu cầu các NHTM tiết giảm tối đa chi phí, dành nguồn lực để ổn định lãi suất, tiếp sức cho người dân, DN, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trong thời gian gần đây chính là phản ánh sự đồng hành, chia sẻ của ngân hàng với khách hàng”.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=669
Quay lên trên