Ngân hàng hạ lãi suất, hỗ trợ khách hàng vượt khó

Cập nhật: 12-11-2020 | 07:52:46

Với mục tiêu chia sẻ khó khăn, tiếp sức cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều ngân hàng đang tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

 Nhiều DN đánh giá cao sự hỗ trợ lãi suất vay nhanh chóng từ phía ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng làm thủ tục vay tại HDBank Bình Dương

 Lãi suất giảm

Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Theo đó, gói dành cho khách hàng SME của HDBank vừa triển khai ngày 29-10 có hạn mức 5.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn, lãi suất vay giảm xuống chỉ còn từ 6,2%/năm thay vì mức 6,5%/năm trước đó. Bên cạnh lãi suất ưu đãi, HDBank cũng hỗ trợ nhiều lợi ích khác như miễn, giảm nhiều loại phí… giúp DN SME giảm thiểu tối đa chi phí, tăng hiệu quả của gói vay. Trước đó, ngân hàng này đã có các gói tín dụng ưu đãi khách hàng bị thiên tai và ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với tổng quy mô lên đến 34.000 tỷ đồng… đã được khách hàng đón nhận tích cực.

Hiện Vietcombank cũng đang áp dụng mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các DN SME chỉ từ 5,9%/năm; khách hàng cá nhân vay kinh doanh, mức lãi vay sẽ chỉ từ 6,5%/ năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn kinh doanh theo sản phẩm “kinh doanh tài lộc” sẽ được ưu đãi mức lãi suất chỉ từ 5,6%/ năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20-10- 2020.

Trước đó, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, cho vay ngắn hạn có mức vay tối đa 4,5%/năm; trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết tháng 6-2021, Agribank cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng SME với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng. Một số NHTM khác cũng giảm sâu thêm lãi suất vay. Đơn cử như MBBank đang áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/ năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn vay tối đa 80 tháng. Hay tại VPBank có gói cho vay kinh doanh chỉ từ 5,99%, áp dụng từ nay đến hết 31-12-2020 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình. Hạn mức của gói vay hỗ trợ lên tới 20 tỷ đồng cho mỗi khách hàng…

Kích thích cho vay

Thông tin từ lãnh đạo các NHTM cho biết, đối với hệ thống tài chính tín dụng của cả nước hiện nay đều có mức cung tiền tệ dồi dào trên cả thị trường tiền tệ lẫn thị trường trái phiếu Chính phủ. Cùng với đó, nguồn huy động tiền gửi tiết kiệm từ các quý trước khá ổn định, nhiều ngân hàng dôi dư vốn khả dụng. Thêm vào đó, với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khiêm tốn, gần đây lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trung bình từ 0,3%-0,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng. Với mức lãi suất được điều chỉnh giảm khoảng 0,5/năm, thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm thông thường là nguyên nhân dẫn đến nhiều ngân hàng tung ra các chương trình cho vay DN SME, từ đó sẽ tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Ngân hàng HDBank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ còn có 4,5%/ năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016. Bà Lại Thị Bích Thủy cho rằng đây là mức lãi suất thấp nhất trong các thời kỳ. Có thể nói, gần như bằng lãi suất cho vay ngoại tệ. Do đó, lãi suất này được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho vay các DN, đồng thời tập trung cho vay vào 5 lĩnh vực Chính phủ đề ra.

Việc liên tiếp hạ lãi suất cho vay khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm nhưng nếu không chia sẻ khó khăn với DN lúc này thì hệ lụy nợ xấu trong tương lai là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc sụt giảm lợi nhuận cũng là điều nhiều ngân hàng dự liệu. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết dự kiến trong năm 2020, sẽ dành khoảng 500 - 800 tỷ đồng giảm lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua việc giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế cũng là một chính sách tiền tệ của quốc gia. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ dần phục hồi kéo theo nhu cầu vốn cũng sẽ tăng. Giữa lúc khó khăn, nhận được sự hỗ trợ kịp thời bằng chính sách giảm lãi suất vay, tin rằng hoạt động tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh sẽ đạt mức tăng từ 12- 15% trong năm 2020.

 THANH HỒNG  

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2348
Quay lên trên