Ngân hàng hồ hởi báo lãi

Thứ tư, ngày 20/01/2010

 

Tất cả các kênh từ tín dụng truyền thống cho tới dịch vụ và đầu tư đều mang lại lợi nhuận khả quan, dễ khiến người ta tin ngân hàng là ngành vượt khủng hoảng thành công nhất.

 

4 trong số 6 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều đã công bố lợi nhuận tài khóa 2009, người ít thì vài trăm tỷ, nhiều cũng hơn 3.000 tỷ đồng. ACB, đã thành lệ, luôn công bố kết quả lớn nhất trong số các ngân hàng cổ phần. Năm 2009, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của toàn tập đoàn ACB (gồm ngân hàng và các công ty con) đạt 2.818 tỷ đồng, vượt 118 tỷ so với kế hoạch và tăng hơn 10% so với kết quả năm trước. Nếu tính riêng các ngân hàng cổ phần đang niêm yết, Sacombank giữ vị trí thứ hai với tốc độ tăng trưởng 75%, đạt 1.901 tỷ đồng chưa kể lợi nhuận của các công ty con. Còn tính chung trong cả khối cổ phần, Sacombank đứng sau Techcombank (lợi nhuận 2.250 tỷ đồng tăng hơn 40% so với 2008).

 

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietinbank công bố khá sớm với kết quả hơn 3.000 tỷ đồng. Vietcombank còn chờ cuộc họp cuối tuần này của ban lãnh đạo để chốt con số chính thức nhưng nhiều khả năng sẽ không dưới 5.000 tỷ đồng.

 

Tốp ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng công bố hoàn thành hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận của năm. Trong đó SHB đạt 415,3 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với 2008. Đáng chú ý PG Bank đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhận tới 250%, tương đương 230 tỷ đồng. Tiên Phong Bank mới thành lập cũng lãi 164,7 tỷ đồng sau khi trích

lập dự phòng rủi ro.

 

Trong bối cảnh tín dụng vẫn chiếm 70% nguồn thu của toàn hệ thống, lợi nhuận ngân hàng năm 2009 được hỗ trợ đáng kể từ chương trình kích cầu qua lãi suất. Điều này thể hiện rõ ở hai quý đầu năm, thu nhập lãi thuần tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn ACB thu nhập lãi thuần quý II tăng 40%, Sacombank tăng 74% trong khi Vietcombank vọt tăng tới 115%. Những tháng cuối năm hoạt động cho vay siết chặt hơn trước, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra thu hẹp đáng kể và ngân hàng đối mặt với khó khăn thanh khoản, song nhìn chung tín dụng vẫn khởi sắc hơn so với năm trước, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay toàn hệ thống lên đến gần 38% trong khi con số của 2008 chỉ là 21-22%.

 

Thành công của hệ thống ngân hàng còn thể hiện rõ ở mảng kinh doanh phi tín dụng. Thu từ các dịch vụ thanh toán, mở LC… không lớn như những năm trước do xuất nhập khẩu giảm sút, song bù lại ngân hàng bội thu trong mảng đầu tư kinh doanh chứng khoán, ngoại hối và vàng nhờ diễn biến thị trường thuận lợi.

 

Lâu nay mỗi khi công bố lãi lớn, ngân hàng đều mong muốn chứng minh khả năng tài chính ổn định của mình. Nhưng trong bối cảnh nhà nhà chống khủng hoảng, doanh nghiệp lao đao, ngân hàng gần đây cảm thấy “cắn rứt” và cho rằng thực sự mình không lãi nhiều nếu xét tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản. Một nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng cho rằng con số lợi nhuận công bố chỉ phản ánh một phần sức khỏe tài chính của ngân hàng.

 

Ông cho biết, mỗi khi xem xét thực lực của các ngân hàng, ông quan tâm trước hết tới chỉ tiêu tổng vốn chủ sở hữu để biết được hiệu quả đồng vốn kinh doanh trong năm. Đặc thù của ngành ngân hàng là đi vay để cho vay, nên tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu cũng là chỉ tiêu ông thường xuyên theo dõi. Các chỉ tiêu khác như trích lập dự phòng rủi ro, tổng tài sản, theo ông cũng rất đáng lưu tâm. Ngoài ra, khi xem lợi nhuận ngân hàng, cũng cần phân tích xem đó là lợi nhuận của riêng ngân hàng hay hợp nhất các công ty con, là lợi nhuận đã trích lập dự phòng rủi ro hay chưa…

 

Năm 2010, diễn biến kinh tế vĩ mô có phần khả quan hơn năm nay tạo tiền đề tốt cho khả năng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên giới chuyên gia cảnh báo kinh doanh ngân hàng năm nay không hề dễ dàng. Khi mà tín dụng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu doanh thu, cạnh tranh trong huy động vốn và cho vay sẽ khiến thu nhập từ lãi thuần giảm mạnh. Trong khi đó, áp lực kiềm chế lạm phát có thể khiến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, tăng trưởng tín dụng bị kiềm chế ở mức 25%, thấp hơn nhiều năm 2009.

 

Không phải ngân hàng nào cũng đạt cơ cấu thu nhập đẹp như ACB hay Sacombank, lợi nhuận từ hoạt động phi tín dụng lần lượt đạt 80% và 74,5%. Tuy nhiên ngay cả với hai đại gia này, cơ hội phát triển ngoài mảng kinh doanh truyền thống sẽ không còn nhiều như năm trước. Thu từ phí dịch vụ, thanh toán, mở LC có thể phục hồi song sẽ không tạo lợi nhuận đột biến cho ngân hàng khi mà các khoản thu quan trọng như vàng hay trái phiếu sẽ không khả quan như trước.

 

Với các ngân hàng quy mô nhỏ, yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo lộ trình quy định cũng là áp lực không nhỏ. Không dễ dàng gì để các ngân hàng đàn em vừa phải tăng vốn, tăng quy mô tài sản vừa đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đẹp như năm 2009.

(Theo VnE)