Ngân hàng hoan hỉ, doanh nghiệp âu sầu

Cập nhật: 01-03-2011 | 00:00:00

Trong khi nhiều ngân hàng (NH) hoan hỉ công bố mức lợi nhuận khủng ở mức ngàn tỷ trong năm 2010 thì có không ít doanh nghiệp (DN) “méo mặt” vì lãi suất (LS) quá cao. Với mức lãi vay 20%/năm, nhiều DN cho rằng LS đã ăn mòn lợi nhuận, từ đó nhiều DN buộc phải co cụm sản xuất - kinh doanh!

 Qua điện thoại, bà N.T.H, Giám đốc Công ty V. tại Bến Cát nhờ tôi đăng báo bán nhà xưởng trên khuôn viên đất 1,8 ha với giá 18 tỷ đồng. Dù tôi cố thuyết phục tìm giải pháp khác nhưng bà H. cho biết, không phải bán nhà xưởng là bi đát mà là chiến lược “thắt lưng buộc bụng” của công ty, lấy vốn tiếp tục hoạt động đỡ phải đi vay NH. Bà H. cho biết, 2 năm qua quả thật Công ty V. vất vả với LS NH, năm 2009 chỉ lỗ vài trăm triệu, kế đến năm 2010 kết quả lỗ hơn 1 tỷ đồng.

  Dù có đơn đặt làm quanh năm nhưng Công ty V. vẫn lỗ vì lãi suất bào mòn lợi nhuận

Nguyên nhân không phải không có đầu ra mà ngược lại đơn hàng vẫn đều đều, DN làm suốt quanh năm. Tuy nhiên sau khi trừ đi LS vay NH, DN đã chẳng còn gì! Không vay thì không được, vì lấy đâu vốn để nhập nguyên phụ liệu vào, mà đi vay thì LS quá cao với gần 20%/năm. Với LS NH cao như vậy thì lợi nhuận của DN làm ra ở mức 30%/năm thì lỗ chắc, còn để lợi nhuận DN trên 30%/năm thì lấy đâu ra trong thời buổi có sự cạnh tranh gay gắt này. Tính toán kỹ bà H. cho rằng, bán nhà xưởng thu hẹp sản xuất là giải pháp mà công ty chọn. Theo bà H., số tiền 18 tỷ đồng thu được từ bán nhà xưởng sẽ trả phần vay NH, còn lại Công ty V. sẽ hoạt động bằng vốn tự có, khỏi phải đi vay thì chắc chắn qua cơn “bĩ cực”.

LS NH mà DN đi vay cao đến vậy tất nhiên có nguyên nhân. Theo LS hiện nay mà các NH huy động đã lên đến 14%. Đầu vào cao thì ắt đầu ra phải cao, từ LS huy động như thế nên việc DN đi vay phải trả lãi trên dưới 20% là điều tất yếu. Lo ngại tác động của LS đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, trong buổi trò chuyện với Chủ tịch HĐQT Công ty Thuốc thú y Minh Dũng Vũ Thị Ngọc Trinh vào dịp đầu năm mới đây, bà Trinh cho rằng, hiện nay mặt bằng chung của LS chúng ta cao hơn các nước trong khu vực. Điều đó không chỉ làm DN trong nước phần nào mất đi ưu thế cạnh tranh mà còn dẫn đến việc co cụm sản xuất. Chính vì vậy, khi đề cập giữa LS NH và lợi nhuận DN, bà Trinh nhận định sẽ có DN chọn giải pháp “Ngồi chơi sướng hơn làm, bán nhà xưởng gửi NH hiệu quả hơn”. Không chờ quá lâu, ý kiến nhận định của bà Trinh giờ đã xảy ra.

LS cao không chỉ làm DN sản xuất gặp khó, mà DN chuẩn bị đầu tư cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Trả lời trên các phương tiện thông tin mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa Lê Quốc Tuyên cho rằng “Với mức lãi vay hiện tại, dự án đầu tư nhà máy mới ở Bình Dương mà công ty chuẩn bị trong vài năm qua sẽ đối mặt với nhiều khó khăn dù đầu tư nhà máy mới là ưu tiên trong chiến lược mở rộng thị trường. Dự án đang chuẩn bị đầu tư này có tổng vốn đầu tư khoảng 175 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay 100 tỷ. Với LS 18 - 20%, cộng các yếu tố đã tăng giá mạnh như thép, xi măng, điện... cho dù công ty có bước chuẩn bị kỹ nhưng chúng tôi ý thức rõ là dự án mới sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc DNTN Hải Long Huỳnh Thị Thanh Xuân cho biết, lĩnh vực mà DN hoạt động là siêu thị và đầu tư xây dựng nhà ở. Với LS hiện nay DN đi vay đã 20% rồi, nếu tính cả các chi phí đều tăng theo mặt bằng giá cả thì quả thật DN đối mặt với nhiều thách thức. Do vậy doanh thu từ thương mại của DN chắc chắn khó hoàn thành như kế hoạch đề ra và việc triển khai xây dựng các dự án mới sẽ gặp trở ngại là điều khó tránh khỏi. Từ đó DN phải có chiến lược thận trọng hơn trong từng đường đi, nước bước.

  CÔNG BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=242
Quay lên trên