Mặc dù các ngân hàng (NH) đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động (LSHĐ) mới không quá 12%/năm (từ ngày 8-11), nhưng thực tế hiện nay ngoài LSHĐ VND theo hình thức thỏa thuận còn có 3 mức lãi suất (LS) 13,5%, 15%/năm và cá biệt lên đến 17 - 18%/năm. Tại sao mặt bằng LS lại có sự chênh lệch cao và liệu sẽ theo chiều hướng nào?
Giá nào cũng có
Một trong những NH mở màn cuộc đua tăng LS là NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), bằng việc niêm yết công khai mức LS 13%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng từ ngày 11-11. Ở các kỳ hạn còn lại, SeABank vẫn công bố mức LS 12% như hầu hết NH khác. Sau SeABank, nhiều NH cổ phần, kể cả khối NH quốc doanh như VietinBank, VCB, BIDV... đều công bố LS tiết kiệm vượt ngưỡng 12%.
Các ngân hàng lại tăng lãi suất để huy động vốn Tuy nhiên, đó là mức LS chỉ áp dụng cho những người gửi số tiền nhỏ. Hiện, có khá nhiều NH ngấm ngầm tăng LSHĐ rất mạnh, bằng hình thức tặng LS, sau khi cộng LS thưởng có thể lên tới gần 15%/năm, đối với những khoản tiền gửi lớn. Cụ thể, ngày 15-11 vừa qua, chị T.H.B - một khách hàng gửi tiết kiệm tại chi nhánh ngân hàng cỡ vừa trên đại lộ Bình Dương (TX.TDM), chị cho biết, định rút khoản tiền gửi gần 2 tỷ đồng khi đáo hạn để chuyển sang NH khác với mức LS 14,2%/năm, nhưng sau khi trực tiếp thương lượng chị đồng ý tái gửi với mức LS cao nhất, kỳ hạn 12 tháng 14,76%/năm. Chị cho biết, có một số NH nhỏ khác, chào mời mức LS cao hơn nhưng chị “ưu ái” NH cũ vì phong cách phục vụ lịch sự, chu đáo mặc dù LS có thấp hơn chút xíu.
Tại một số NH khác trên địa bàn, mức LS trên vẫn chưa là mức cuối cùng, bởi với các khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên, LS sẽ được thương lượng ở mức cạnh tranh “không thể cao hơn”, nhân viên marketing một NH (đề nghị không nêu tên) không tiết lộ cụ thể nhưng cho biết mức LS mà các NH khác áp dụng cho khoản tiền gửi lớn có thể lên tới mức 17 - 18%/năm, tùy vào kỳ hạn gửi, mối quan hệ và quyết định của giám đốc chi nhánh.
Tăng LSHĐ - chuyện chẳng đặng đừng!
Sự biến động tăng cao quá mức của LS, theo cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, xuất phát từ 3 lý do. Thứ nhất, tác động từ quyết định nâng các LS chủ chốt như LS tái chiết khấu, tái cấp vốn thêm 1% của NHNN. Thứ hai, do NHNN để cho các NH áp dụng thỏa thuận LS nên xuất hiện tình trạng khách hàng nhắm ngay điểm yếu để trả giá LS, NH phải nâng đưa giá vốn cao vừa để giữ chân khách hàng vừa có thể bù đắp tỷ lệ thiếu hụt thanh khoản theo quy định vào đúng thời điểm NHNN đưa ra một số biện pháp thắt chặt tiền tệ. Vì thế, để bảo đảm các hệ số an toàn vốn, một số NH không ngần ngại áp dụng LSHĐ thực tế cho khách hàng với mức cao.
Cũng theo phân tích của vị này, đây là tình trạng chung mà các NH đã không thực hiện theo sự đồng thuận đã cam kết, dẫn đến sự di chuyển vốn từ NH có LS thấp sang NH có LS cao hơn. Và cũng do cơ chế không công khai nên khách hàng phải so bì, dò hỏi lung tung để ngả giá làm cho nguồn vốn bị biến động rất mạnh. Đây cũng là lý do khiến cho việc quản lý nguồn vốn và thanh khoản cuối năm của các NH càng trở nên khó khăn.
LS tiết kiệm tăng cao nhưng liệu NH có đạt mức tăng trưởng huy động vốn như kế hoạch, Phó Giám đốc VCB - Chi nhánh Bình Dương Nguyễn Thái Minh Quang cho biết, những tháng cuối năm, đa số NH thương mại có số dư huy động thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều này gần như là quy luật, song áp lực huy động vốn đang ngày một tăng và rất quyết liệt, dẫn đến khó khăn trong việc cân đối nguồn để cho vay. Nguyên nhân là do đợt vàng, ngoại tệ “sốt” giá vừa qua và gần đây giá vàng đang giảm ở mức có thể mua vào nên nhiều người đã chọn các kênh đầu tư này để bỏ vốn, thay vì gửi tiết kiệm. Còn thực tế hiện nay, thậm chí, một số khách hàng còn rút tiền tiết kiệm để mua USD, vàng vì lo ngại lạm phát và cộng thêm tình trạng LS nơi cao, nơi thấp nên giữ khách hàng cũ đã khó, thu hút khách hàng mới còn khó hơn. Chính vì vậy, trong tình hình hiện nay, các NH đành chấp nhận nâng cao LSHĐ VND ở một số kỳ hạn ngắn.
Nhận định về mặt bằng LSHĐ trong thời gian tới, các NH khẳng định, huy động cao hẳn nhiên đầu ra cho vay cũng phải cao. Hệ quả này đã từng gây khó khăn cho hoạt động cho NH và cả người vay trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 khi cho vay 17 - 19%/năm. Năm nay, Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát dưới 10%, mục tiêu sang năm dưới 7%, vì vậy LSHĐ sẽ bám sát mục tiêu này. Mặt khác, NH phải tính toán khi LS cho vay quá cao, khách hàng sẽ chạy qua NH có LS cho vay thấp, do đó tình thế trước mắt nếu có tăng LS lên cao cũng chỉ tăng trong thời gian ngắn và có thể duy trì từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2011, sau đó LS phải theo xu hướng giảm.
T.Hồng